Yuriy Vitrenko, giám đốc điều hành công ty Naftogaz cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Financial Times rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang sử dụng khí đốt như một "vũ khí địa chính trị" với yêu cầu cung cấp thêm năng lượng qua Dòng chảy phương Bắc 2.
Người đứng đầu công ty năng lượng nhà nước Ukraine cáo buộc: "Tổng thống Putin đang muốn nói rằng: Hoặc châu Âu cho phép Dòng chảy phương Bắc 2 vận hành, hoặc sẽ không nhận được thêm khí đốt. Ông ấy muốn đảo ngược thời gian và đưa mọi thứ quay lại thời điểm cách đấy 10, 20, 30 năm... để đàm phán những điều kiện đặc biệt với các chính trị gia ở những nước khác nhau".
Khi giá khí đốt châu Âu tăng cao kỷ lục trong 2 tháng qua, thị trường thường xuyên dao động trước những tuyên bố từ Moscow với hy vọng rằng Gazprom - tập đoàn khí đốt nhà nước của Nga, sẽ tăng nguồn cung sang châu Âu.
Tuần trước, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm sau khi Tổng thống Putin yêu cầu Gazprom lấp đầy các hầm lưu trữ khí đốt đang ở mức thấp của công ty này tại Đức và Áo. Tuy nhiên, cho tới nay, Moscow chưa tăng nguồn cung qua hệ thống đường ống trung chuyển khí đốt khổng lồ qua Ukraine.
Nga lo ngại Dòng chảy phương Bắc 2 có thể trở thành “nạn nhân” của những cuộc đàm phán liên minh để thành lập chính phủ mới tại Đức - có thể bao gồm đảng Xanh, vốn phản đối mạnh mẽ đường ống này. Theo các quan chức và cựu quan chức Mỹ, Nga muốn đảm bảo sớm thông qua Dòng chảy phương Bắc 2 khi từ chối gia tăng nguồn cung khí đốt qua các đường ống hiện tại.
Ông Vitrenko đang dẫn đầu những nỗ lực phút chót của Ukraine nhằm ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2 bằng cách buộc Mỹ và châu Âu thừa nhận rằng, Nga đang sử dụng đường ống này để làm suy yếu Ukraine và làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga.
Như một phần của thỏa thuận song phương về Dòng chảy phương Bắc 2 hồi tháng 7, Washington và Berlin cam kết sẽ áp lệnh trừng phạt lên Nga nếu các chính sách năng lượng của nước này gây nguy hiểm cho Ukraine và các đồng minh khác ở châu Âu.
Cuối tuần trước, tại Rome, Tổng thống Biden đã thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel về những nỗ lực nhằm "đảm bảo Nga không thể thao túng dòng chảy khí tự nhiên vì những mục đích chính trị gây tổn hại", Nhà Trắng tuyên bố.
Gazprom và Nga đã phủ nhận việc sử dụng Dòng chảy phương Bắc 2 nhằm gây sức ép./.