Trong cuộc điện đàm ngày 5/3 giữa Tổng thống Ukraine Poroshenko và Thủ tướng Đức Angela Merkel, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận tình hình khu vực Donbass và nhấn mạnh sự cần thiết tăng số lượng quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cũng như trang bị kỹ thuật cho phái bộ của OSCE thực hiện nhiệm vụ.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại, Federica Mogherini cho biết, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cần phải có thêm nhiều nguồn lực và được tiếp cận tốt hơn với các khu vực do lực lượng đối lập Ukraine chiếm giữ ở miền Đông nước này, nhằm thực hiện sứ mệnh giám sát.
“Nhiệm vụ của OSCE trong thời điểm này là giám sát. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng OSCE có nhiều nguồn lực và khả năng để thực hiện tốt nhiệm vụ này. OSCE cần được tiếp cận tất cả các khu vực và chúng tôi đang yêu cầu lực lượng đối lập Ukraine tạo điều kiện cho sự tiếp cận này”, bà Federica Mogherini nói.
Các nhà lãnh đạo Anh, Italy và Nga cùng ngày cũng lên tiếng kêu gọi các bên thực hiện các cam kết đã nhất trí trong thỏa thuận Minsk và khẳng định, thỏa thuận này là cách duy nhất mang lại hòa bình cho miền Đông Ukraine.
Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Italy Rendi tại thủ đô Moscow ngày 5/3, Tổng thống Nga Vladirmia Putin nêu rõ: “Chúng tôi nhất trí rằng, các bên trong cuộc xung đột cần phải hoàn thành nghiêm chỉnh thỏa thuận đạt được hôm 12/2 tại Minsk. Tôi chắc chắn điều này sẽ mở ra một cơ hội cho một giải pháp hòa bình toàn diện và một cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Kiev và các đại diện của Donetsk, Lugansk. Trong thời điểm này, vai trò của tất cả các thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế ngày càng tăng, đặc biệt là những nước có ảnh hưởng lớn đến chính quyền Ukraine”.
Ngày 6/3, đại diện bộ ngoại giao 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine cũng tiến hành đàm phán tại thủ đô Berlin (Đức) để thảo luận tiến trình thực hiện thỏa thuận Minsk ngày 12/2.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc thực thi thỏa thuận Minsk đang gặp trở ngại vì một mặt, các bên liên quan đến việc tháo gỡ khủng hoảng Ukraine là Mỹ, phương Tây và Nga tích cực kêu gọi thực thi thỏa thuận Minsk, song mặt khác, các nước này lại cáo buộc nhau đang ngầm hỗ trợ cho các lực lượng tại Ukraine, đẩy xung đột leo thang.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich ngày 5/3 tuyên bố, Moscow quan ngại sâu sắc trước thông tin cho biết không chỉ Washington mà hàng loạt các quốc gia châu Âu khác, như Phần Lan, Ba Lan, sẽ cung cấp vũ khí cho Kiev.
Theo ông Lukashevich, việc phương Tây gửi vũ khí và binh lính đến Ukraine hoàn toàn không phải vì mục đích hòa bình, điều đó không chỉ phá hủy chế độ ngừng bắn theo thỏa thuận Minsk đạt được ngày 12/2 vừa qua và khiến tình hình miền Đông Ukraine ngày càng leo thang, mà còn đe dọa an ninh đối với chính nước Nga.
Trong khi đó, phía Mỹ cũng cáo buộc Moscow đã điều hàng nghìn binh sỹ tới miền Đông Ukraine nhằm hỗ trợ lực lượng đối lập tại đây. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định "những con số đó được đưa ra một cách vu vơ, làm quốc tế nản lòng"./.