Hôm 11/6 Nhật Bản lên tiếng phản đối Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đệ đơn xin đưa vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 và vấn đề “phụ nữ giải khuây” bị ép làm việc trong các nhà thổ quân đội thời chiến vào chương trình di sản tư liệu của UNESCO.

Đây là đợt bùng phát căng thẳng mới nhất trong quan hệ giữa hai nước.

phu%20nu%20indonesia%20giai%20khuay%20linh%20nhat_lemf.jpg Phụ nữ Indonesia giải khuây cho lính Nhật thời thế chiến (ảnh: tutufoundationusa.org)
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, đã trở nên căng thẳng do tranh cãi về chủ quyền về một quần đảo ở Biển Hoa Đông và các cáo buộc của Trung Quốc cho rằng Nhật Bản chưa có những nỗ lực đúng mức để chuộc lỗi về cuộc chiến tranh xâm lược khi xưa.

 

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu tại một cuộc họp báo thường niên: “Thật đáng tiếc Trung Quốc đang cố gắng công khai hóa một di sản tiêu cực thuộc giai đoạn lịch sử trong quan hệ Trung-Nhật qua việc sử dụng UNESCO nhằm cho mục đích chính trị, trong khi chúng ta cần các nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc”.

Ông Suga nhấn mạnh: “Hôm nay chúng tôi phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút lại động thái trên”.

Hôm 10/6 Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh đã đệ đơn lên UNESCO để đưa các vấn đề như “phụ nữ giải khuây”, bao gồm nhiều phụ nữ đến từ bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc bị ép hành nghề mại dâm phục vụ binh lính Nhật Bản, cũng như vụ thảm sát Nam Kinh 1937.

Bắc Kinh cho rằng việc đệ đơn này là một phần trong nhu cầu “tưởng nhớ lịch sử, nuôi dưỡng hòa bình và ngăn ngừa các tội ác tái diễn”.

Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, khởi động hồi thập niên 1990, đã nhận đăng ký hàng chục dự án phản ánh các “di sản tư liệu thế giới” thuộc các thời kỳ khác nhau, trong đó có cả bộ Tư bản của Karl Marx.

Trung Quốc thường xuyên nhắc nhở người dân của họ về vụ thảm sát Nam Kinh 1937, trong đó họ nói lính Nhật đã giết hại 300.000 người ở thành phố này, khi đó là thủ đô Trung Quốc. Một phiên tòa xét xử do phe Đồng minh tiến hành hậu Thế chiến đã xác định con số người bị giết hại là 142.000 nhưng một số chính trị gia và học giả Nhật Bản bảo thủ phủ nhận việc xảy ra thảm sát.

Cả Trung Quốc và Hàn Quốc từ lâu đã tìm cách đòi Nhật Bản đền bù  cho những phụ nữ là nạn nhân trong các nhà thổ của quân đội Nhật chiếm đóng.

Hồi tháng 2/2014, Trung Quốc lên án việc một thành phố Nhật Bản yêu cầu UNESCO cho họ tham gia đăng ký vào chương trình nói trên với các di chúc và thư chia tay của các phi công thần phong cảm tử của Nhật Bản hồi Thế chiến 2./.