Chỉ còn 1 ngày nữa, các nhà lập pháp Anh sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu quyết định số phận thỏa thuận sơ bộ Brexit, về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), mà Thủ tướng Anh Theresa May mới đạt được với EU hồi tháng trước.

may_brexit_invy.jpg
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Sky News.

Nhiều lo ngại cho rằng, thỏa thuận sơ bộ Brexit sẽ khó qua được cửa Quốc hội Anh và điều này có thể dẫn đến “một tình huống nguy hiểm” – như lời Thủ tướng Anh vừa mới cảnh báo.

Với Thủ tướng Theresa May, thỏa thuận sơ bộ Brexit hiện tại là thỏa thuận tốt nhất có thể làm hài lòng được một quốc gia vốn đang bị chia rẽ sâu sắc, là Anh. Tuy nhiên, thỏa thuận này cần phải có được sự ủng hộ của 320 nghị sĩ trong tổng số 639 nghị sĩ tại cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện Anh ngày mai (11/12), để được thông qua. Đa số dư luận đều cho rằng, con số này là khó có thể đạt được.

Hiện chưa thể biết trước được điều gì nếu thỏa thuận sơ bộ Brexit không được thông qua. Một số người suy đoán điều này có thể dẫn đến việc thay đổi chức vụ Thủ tướng Anh của bà Mây, nghiêm trọng hơn là sự sụp đổ hoàn toàn của chính phủ hiện tại Anh, hoặc thậm chí là một cuộc bỏ phiếu thứ hai để quyết định số phận cuối cùng của Brexit.

Chính Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua (9/12) đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nước Anh rơi vào một “tình huống nguy hiểm” nếu thỏa thuận Brexit không được Nghị viện Anh thông qua. Trao đổi với tờ Điện tín (the Mail), Thủ tướng Anh nhấn mạnh, việc bác bỏ thỏa thuận sơ bộ Brexit đồng nghĩa với việc mang lại “sự bất ổn nghiêm trọng” cho nước Anh. Nữ Thủ tướng thừa nhận, điều này có thể dẫn tới nguy cơ không có Brexit, cũng như một tổng tuyển cử. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay, Thủ tướng May vẫn có thể tiếp tục giữ cương vị dù có thất bại trong cuộc bỏ phiếu ngày mai. Ông Barclay cũng bác bỏ thông tin cho rằng, Thủ tướng May có thể hoãn cuộc bỏ phiếu vào ngày mai, để quay trở lại EU để yêu cầu có thêm sự nhượng bộ.

“Cuộc bỏ phiếu sẽ vẫn diễn ra vì đó là một thỏa thuận tốt. Đó là thỏa thuận duy nhất. Đây là kết quả một cuộc đàm phán khó khăn trong suốt hai năm của Thủ tướng, bất kể thời gian làm việc cả ngày lẫn đêm. Thật không may, vẫn có những người nói không ủng hộ và đề nghị đàm phán lại. Pháp, Tây Ban Nha hay các nước khác sẽ thay đổi lập trường nếu chúng ta cố gắng tìm kiếm tái đàm phán trở lại và đòi hỏi nhiều hơn”.

Hiện sức ép đối với bà May đang ngày càng gia tăng sau khi nghị sĩ đảng Bảo thủ Will Quince hôm 8/12 tuyên bố từ chức trong chính phủ để phản đối thỏa thuận sơ bộ Brexit. Một bộ trưởng khác trong chính phủ cũng cho biết sẽ từ chức nếu cuộc bỏ phiếu tại quốc hội vẫn diễn ra. Hai bộ trưởng từng ủng hộ Brexit và 2 thành viên quốc hội cũng bóng gió về ý định từ chức liên quan đến kế hoạch bỏ phiếu. Thậm chí một số bộ trưởng tuyên bố đang lên kế hoạch cho cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về quy chế thành viên EU.

Kể từ khi Thủ tướng Anh công bố thỏa thuận Brexit sơ bộ đạt được với EU, đến nay đã có 8 quan chức chính phủ từ chức. Thỏa thuận đưa Anh rời EU càng bị chỉ trích mạnh mẽ từ chính các đồng minh của Thủ tướng May cũng như từ phe đối lập sau khi các nội dung tư vấn pháp lý về thỏa thuận này được công bố.

Trong một diễn biến mới nhất có liên quan, Tòa án cấp cao Liên minh châu Âu hôm nay đã ra phán quyết nói rằng chính phủ Anh có thể đơn phương đảo ngược quyết định Anh rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) mà không cần tham vấn các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu khác. Phán quyết này càng mở ra hy vọng cho lực lượng phản đối Brexit ở Anh, vốn chủ trương tổ chức cuộc trưng cầu ý dân mới nhằm ngăn nước Anh rời Liên minh châu Âu vào ngày 29/3/2019./.