Hội nghị ngoại trưởng G20 diễn ra tại Bonnn, Đức đã kết thúc sau 2 ngày nhóm họp, thảo luận nhiều vấn đề của thế giới hiện nay.

tillerson_wang_yi_supv.jpg
Ông Rex Tillerson (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị. Ảnh: AP

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm và chú ý nhiều nhất là những gì mà tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mang tới Hội nghị cũng như tại các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị để có thể định hình được lập trường của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong những vấn đề toàn cầu.

Trong hai ngày họp tại thành phố Bonn, Ngoại trưởng nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã thảo luận hàng loạt vấn đề nổi cộm như tự do thương mại, thị trường tài chính bảo vệ môi trường, khủng hoảng người di cư, vấn đề bệnh dịch đến cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Hội nghị được coi là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị thượng đỉnh  vào tháng 7 tới, nơi G20 tìm ra hướng tháo gỡ những thách thức to lớn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tiến tới mục tiêu góp phần “Định hình một thế giới kết nối”.

Có lẽ thu hút sự quan tâm nhiều nhất tại Hội nghị G20 là sự góp mặt lần đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và theo dõi những phát ngôn và tuyên bố của ông để có thể phần nào định hình được chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Sau cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị giữa Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố, hoàn toàn không có nghi ngờ rằng Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đồng minh truyền thống ở Cchâu Âu trong việc giải quyết nhiều vấn đề.

Ngoại trưởng Rex Tillerson đã cố gắng chứng tỏ rằng Mỹ vẫn sát cánh của các đồng minh truyền thống, đồng thời trấn an rằng không dễ dàng nghiêng về Nga trong những vấn đề mà phương Tây lo ngại.

Thu hút sự quan tâm hơn cả là sự kiện lần đầu tiên gặp mặt giữa Ngoại trưởng Nga - Mỹ trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy chính quyền Donald Trump muốn làm ấm mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Putin. Điều này có vẻ đúng bởi sau cuộc gặp, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định rằng cuộc gặp gỡ diễn ra trên tinh thần xây dựng và thiện chí.

“Chúng tôi đã có cuộc hội đàm thiết thực và hiệu quả, cùng trao đổi quan điểm về những vấn đề được thảo luận trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga và Mỹ ngày 28/1 vừa qua. Chúng tôi nhận thấy có  quan điểm chung về lợi ích ở một số khía cạnh, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố”, đại diện phía Nga tuyên bố.

Tương tự như vậy, cuộc họp kín với Ngoại trưởng Vương Nghị của ông Rex Tillerson càng cho thấy dấu hiệu tích cực trong quan hệ giữa hai nước.

Hội nghị ngoại trưởng G20 và một loạt các cuộc gặp song phương đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị  thế giới có nhiều biến động.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump- đắc cử với chủ trương phản đối quá trình toàn cầu hóa; xem xét lại các hiệp định thương mại tự do đa phương- đang “phủ bóng đen” lên hệ thống kinh tế - tài chính thế giới.

Giới chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, với việc thúc đẩy chính sách kinh tế "nước Mỹ trên hết" có thể gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu, làm bùng phát cuộc chiến tranh về thuế, thương mại, đầu tư...

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde từng nhận định: “Chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế, làm lu mờ những lợi ích từ các biện pháp kích thích kinh tế.

Trong trường hợp lãi suất của Mỹ tăng có thể giá trị đồng USD sẽ cao hơn các đồng tiền khác. Điều này ảnh hưởng xấu đến đến những doanh nghiệp và các nước đi vay bằng đồng USD. Rủi ro có thể nhận thấy trong ngắn hạn sẽ lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế”.

Theo giới quan sát, là một trong những giám đốc điều hành và nhà quản lý kinh tế hàng đầu thế giới, song Ngoại trưởng Rex Tillerson đến nay vẫn chưa thể hiện lập trường rõ ràng cũng như chứng tỏ được khả năng trong việc giải quyết các chính sách đối ngoại mà Mỹ đang gặp phải. Còn tại Hôi nghị G20 ông Tillerson chưa có những tuyên bố thật sự ấn tượng và sắc nét về một vấn đề nào đó./.