Nhân vật được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử cho vị trí Ngoại trưởng trong nội các Mỹ, ông Rex Tillerson, vừa bày tỏ các quan điểm trái ngược với quan điểm của ông Trump đối với một số vấn đề đối ngoại trọng yếu như phổ biến vũ khí hạt nhân, buôn bán thương mại, biến đổi khí hậu và quan hệ với Mexico.
Trong một phiên điều trần 9 tiếng đồng hồ trước Thượng viện Mỹ, vị cựu Tổng giám đốc điều hành của hãng dầu Exxon Mobil cho biết, ông ủng hộ duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và rằng các đồng minh NATO đã đúng khi cảnh giác trước các hoạt động quân sự của Nga.
Nội dung về Nga chiếm phần lớn trong phiên điều trần do các nghị sĩ cả Cộng hòa và Dân chủ đều quan ngại về cái gọi là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine cũng như vai trò của Nga trong cuộc chiến Syria.
Sau đó phiên điều trần chuyển hướng chú ý sang mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, các vấn đề về nhân quyền và khả năng của ông Tillerson trong việc đoạn tuyệt với sự nghiệp doanh nhân ở hãng Exxon Mobil để chuyên tâm trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.
Mặc dù vậy, ông Tillerson cho biết, các khác biệt giữa ông và ông Trump về một số vấn đề lớn sẽ không nhất thiết đẩy ông vào thế đối đầu với Nhà Trắng.
Ông cho biết, mọi người trong nội các ông Trump sẽ có cơ hội thảo luận mọi vấn đề, còn “quyền quyết định nằm ở Tổng thống”. Ông Tillerson tự coi mình là người công khai minh bạch.
Vị Ngoại trưởng tương lai của Mỹ thể hiện rõ sự khác biệt quan điểm với Tổng thống đắc cử Trump khi ông Tillerson nói rằng không thể chấp nhận việc một số đồng minh của Mỹ nỗ lực để có được vũ khí hạt nhân của riêng họ.
Khi Thượng nghị sĩ Dân chủ Edward Markey hỏi về việc ông Trump tuyên bố sẽ không phản đối các đồng minh Mỹ như là Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân, ông Tillerson đáp: “Tôi không đồng ý”.
Ông Tillerson cũng thấy không cần người Hồi giáo (ở Mỹ) phải đăng ký, vì ông không ủng hộ việc nhắm vào một nhóm đối tượng cụ thể nào.
Ngoài ra, Rex Tillerson còn cho biết ông không phản đối Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà ông Trump lên án.
Dẫu vậy, trong suốt phiên điều trần, về cơ bản ông Tillerson vẫn có quan điểm đối nghịch với chính sách của Tổng thống Obama và tương đồng với quan điểm của tân Tổng thống Donald Trump./.