Hãng tin RT dẫn lời Đặc phái viên Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết, Nga đã phủ quyết báo cáo do Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (hay còn gọi là Ủy ban 1718) đưa ra về thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên và chương trình hạt nhân của nước này, do bất đồng về mặt nội dung và lo ngại nhiều thông tin trong bản báo cáo này đã bị rò rỉ trước khi nó chính thức được công bố. Phía Nga cũng yêu cầu sửa đổi bản báo cáo.

nga_kidp.jpg
Đặc phái viên Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia. Ảnh: RT.

“Chúng tôi phải ngăn chặn báo cáo của Ủy ban 1718, bởi chúng tôi không nhất trí với nhiều phần trong nội dung của báo cáo và việc thực thi công việc. Tôi sẽ không đi vào chi tiết vì tôi cho rằng bản báo cáo, trước khi được công bố, cần phải được tuyệt mật", ông Vassily Nebenzia nói với báo chí.

"Chúng tôi và các đoàn đại biểu khác bày tỏ quan ngại trước sự rò rỉ thường xuyên các thông tin của Ủy ban trừng phạt, các bạn có thể tìm kiếm nó trên Internet".

Ông Nebenzia nói thêm, trong khi Nga đề nghị Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an điều tra việc rò rỉ thì "một số thành viên không muốn làm như vậy" nên Moscow quyết định tự mình theo đuổi vấn đề này. Theo ông Nebenzia, Nga sẽ tiến hành tham vấn với người đứng đầu Ủy ban này về cách thực hiện công việc. Hiện tại, Liên Hợp Quốc chưa làm bất cứ điều gì để xác định nguyên nhân rò rỉ vì nhiều người bên trong ủy ban này đã phản đối yêu cầu của Nga.

 Ông Nebenzia cho rằng sự rò rỉ thông tin của báo cáo nêu trên là  “không thể chấp nhận được” và “trái ngược với nguyên tắc làm việc của Ủy ban”. Trước đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, mục đích của việc cố tình gây rò rỉ thông tin là để thúc đẩy chiến dịch gây sức ép tối đa do Mỹ dẫn đầu đối với Triều Tiên.

RT cho biết, báo cáo mật về việc thực thi biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên đã được Reuters tiết lộ từ ngày 4/8. Theo thông tin rò rỉ, bản báo cáo cáo buộc Triều Tiên không chấm dứt chương trình hạt nhân, tên lửa của nước này, đồng thời cung cấp vũ khí cho nhiều quốc gia tại Trung Đông và Châu Phi, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Triều Tiên cũng bị cáo buộc tiến hành hoạt động mua bán, trao đổi than đá và xăng dầu, vốn bị cấm theo nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc./.