Việc Nga trở thành nước đầu tiên có vaccine ngừa Covid-19 được dư luận thế giới quan tâm, bởi một loại vaccine như vậy không chỉ hứa hẹn chấm dứt đại dịch toàn cầu mà còn mở ra con đường khôi phục nền kinh tế.
Sau gần nửa năm chiến đấu với dịch Covid-19, một tia hy vọng thực sự đã xuất hiện khi Nga tuyên bố đăng ký vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. Tuy nhiên, thông tin này lại không được báo chí phương Tây đón nhận một cách tích cực, thậm chí còn bị hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả.
Sự nghi ngờ của một số chuyên gia được truyền thông phương Tây dẫn lời làm dấy lên câu hỏi trong giới y khoa - những người đang rất tích cực tham gia vào việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 và có hy vọng cao vào vaccine ngừa bệnh.Nhiều người cho rằng vaccine ngừa Covid-19 của Nga thiếu các dữ liệu công khai liên quan tới việc thử nghiệm trên người và việc thử nghiệm cũng ở quy mô nhỏ với 76 người, chưa tính các thành viên của Viện nghiên cứu Gamaleya, những người đã nghiên cứu loại vaccine này. Các thành viên của Viện Gamaleya tin tưởng vào tính hiệu quả của vaccine Sputnik V và đã tình nguyện tiêm loại vaccine này.
Sergei Tsarenko, Phó trưởng khoa gây mê và hồi sức tại bệnh viện thành phố Moscow 52 cho biết, hiện nay, các y bác sỹ đang tìm mọi cách để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, nhưng chủ yếu tập trung vào các ca bệnh nặng. Trong trường hợp này, vaccine ngừa bệnh là một biện pháp an toàn và đáng tin cậy để tránh tình trạng tử vong do dịch bệnh, tránh sức ép cho các bệnh viện, và việc loại vaccine Covid-19 do Viện nghiên cứu Gamaleya phát triển là đáng tin cậy.
“Cho tới nay, sự kháng bệnh chỉ có thể hình thành ở những người đã từng mắc bệnh và đã phục hồi. Nhưng giờ đã có một lựa chọn an toàn hơn – đó là chủng ngừa. Có một loại vaccine an toàn và hiệu quả do các chuyên gia của Viện Gamaleya tạo ra. Trong cộng đồng vi trùng học, viện Gamaleya được ví như ‘Mercedes’ trong ngành công nghiệp ô tô vậy”, ông Tsarenko nói.
Vaccine Sputnik V có 2 thành phần kết hợp với nhau có thể xây dựng hệ miễn dịch trong dài hạn nhằm chống lại virus SARS-CoV-2. Đợt thử nghiệm lâm sàng vaccine bắt đầu hôm 18/6. Tất cả những người tham gia đều phát triển hệ miễn dịch với nhóm thứ nhất được xuất viện hôm 15/7 và nhóm thứ 2 xuất viện hôm 20/7.
Theo ông Tsarenko, câu hỏi hiện nay không phải là Sputnik V có an toàn và hiệu quả không mà là vì sao nó lại được truyền thông phương tây đón nhận một cách tiêu cực như vậy. Ông cũng đặt câu hỏi là ai đang bảo trợ cho các “chuyên gia độc lập” mà các báo trích dẫn với sự nghi ngờ đối với vaccine của Nga. Ông Tsarenko cho rằng, sự ngờ vực đó sẽ là rào cản đối với tất cả các bác sỹ tham gia trực tiếp vào việc điều trị các bệnh nhân Covid-19 và những người mong mỏi vào điều sẽ giúp chấm dứt đại dịch toàn cầu càng sớm càng tốt./.