Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới 8 quốc đảo Thái Bình Dương. Chuyến thăm này được coi là một biểu hiện cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng tại khu vực vốn gắn bó với Australia và New Zealand. Trong bối cảnh đó, chính phủ New Zealand đang chịu sức ép từ dư luận trong nước khi cho rằng nước này đã chậm trễ trong cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng.

Truyền thông New Zealand hôm nay (30/5) trích dẫn nhiều ý kiến của một số người từng liên quan đến hoạt động đối ngoại của nước này cho biết dường như New Zealand đã quá chậm trễ trong việc củng cố ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương, nơi đang chứng kiến sự hiện diện ngày càng sâu và rộng của Trung Quốc. Một trong những biểu hiện của sự chậm trễ này được cho là sự lơ là trong việc thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực.

Báo điện tử Newshub cho biết, kể từ khi nhậm chức vào tháng 11/2020 cho đến nay, Ngoại trưởng New Zealand Nanaya Mahuta mới có 3 chuyến công du nước ngoài, trong đó chỉ có 1 chuyến thăm duy nhất đến Thái Bình Dương là tới Fiji vào tháng 3/2022. Không chỉ vậy, việc liên lạc giữa Ngoại trưởng Mahuta với khu vực này cũng được cho là không nhiều. Riêng Quần đảo Solomon, Ngoại trưởng Mahuta cũng chưa có cuộc tiếp xúc trực tiếp nào với các nhà lãnh đạo nước này ngoài cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Solomon vào tuần trước và trước đó là lá thư được gửi đi sau khi nước này ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc vào tháng 4/2022.

Sự chậm trễ của New Zealand khiến các chuyên gia lo ngại, đặc biệt khi Trung Quốc đang đẩy nhanh sự hiện diện và ảnh hưởng trong khu vực.

Giáo sư Anne-Marie Brady, chuyên gia Trung Quốc thuộc trường Đại học Canterburry của New Zealand cho biết, các quốc đảo ở Thái Bình Dương có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng vì vậy trong các cuộc cạnh tranh chiến lược, các nước đều cố gắng kiểm soát được khu vực này để có thể bao vây và cắt đứt khả năng bảo vệ của Australia, New Zealand, Mỹ và Pháp đối với khu vực rộng lớn này:

“Các quốc đảo mà Trung Quốc đang làm việc, như quần đảo Solomon không chỉ nằm trên tuyết đường giao lưu thương mại mà còn là nơi có vị trí chiến lược trong các cuộc khủng hoảng quân sự. Vì thế quốc gia nào muốn thay đổi trật tự chiến lược được tạo ra nhằm mang lại hòa bình cho khu vực trong hơn 70 năm qua thì đều cố gắng gia tăng sự hiện diện quân sự, hoặc dân quân tại đây như cách mà Trung Quốc đang làm tại Vanuatu và Kirabati trong những năm qua”, ông Anne-Marie Brady lưu ý.

Giáo sư Anne-Marie Brady nhận định không chỉ New Zealand mà Australia cũng đang chậm trễ. Bên cạnh đó, năng lực quốc phòng của hai nước này cũng còn nhiều hạn chế vì vậy giáo sư Brady cho rằng, việc cần làm hiện nay là cả Australia và New Zealand tập trung vào việc nâng cao năng lực bảo vệ lãnh thổ rộng lớn trên biển của mình./.