Hàng chục nghìn người không có nơi ở, nước và điện sau khi lũ quét cuốn trôi nhà cửa, đường sá và làm gần 400 người thiệt mạng ở tỉnh Kwazulu-Natal của Nam Phi.

Trong số đó có chị Bonakele Mtshali, người đã mất hai con gái  hôm 11/4 vừa qua. Hai cô con gái của chị, một 11 tuổi và một 17 tuổi, đang ngủ khi lũ cuốn trôi căn nhà lợp tôn của gia đình.

“Khi trở về, căn nhà đã bị cuốn trôi và tôi không còn thấy những đứa trẻ đâu cả. Đó thực sự là khoảng khắc kinh khủng nhất trong cuộc đời tôi, không ai biết chúng đâu cả và tôi nhận ra những đứa con của mình đã bị lũ cuốn trôi”, chị Mtshali cho biết.

Cơn lũ qua đi, người dân nơi đây lại phải đối mặt với một cuộc chiến khác không kém phần khó khăn đó là nước sạch và xây dựng lại những ngôi nhà bị phá hủy do lũ cuốn.

“Hậu quả của trận lũ lụt thật khủng khiếp. Giờ chúng tôi không có nhà vệ sinh, không có nước, không có điện, không có thức ăn. Mọi thứ đã bị cuốn trôi cùng với trận lũ lụt này” một người dân chia sẻ.

Tổng thống Nam Cyril Ramaphosa ngày 15/4 kêu gọi người dân cầu nguyện cho các nạn nhân của trận lũ lụt. Theo Nhà lãnh đạo Nam Phi, trận lũ là thảm họa trên quy mô lớn chưa từng thấy ở nước này bởi đã cướp đi rất nhiều sinh mạng và thiệt hại ước tính có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Các nhà vận động gây quỹ vì môi trường, khí hậu tại địa phương đang kêu gọi đầu tư lớn hơn để giúp cộng đồng ứng phó tốt hơn với thiên tai.

Theo các nhà khoa học, châu Phi sẽ trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Mặc dù, châu lục này gồm một số quốc gia nghèo nhất thế giới, có lượng phát thải nhà kính ít hơn rất nhiều so với các nước phát triển.  Báo cáo công bố mới đây của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho thấy, không còn là dự báo xa vời, những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu đã trở nên hiện hữu, với 3,3 đến 3,6 tỷ người, tức là gần một nửa nhân loại “rất dễ bị tổn thương” trước hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, sự gia tăng các hiện tượng khí hậu và thời tiết cực đoan đã và đang dẫn đến những tác động không thể đảo ngược đối với thiên nhiên và con người: “Gần một nửa nhân loại hiện đang sống trong vùng nguy hiểm. Nhiều hệ sinh thái đang ở ngưỡng nguy hiểm không thể quay trở lại. Ô nhiễm khí thải gây hiệu ứng nhà kính không được kiểm soát đang tàn phá các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được các nước ký kết năm 2015 đã kêu gọi hạn chế mức tăng của nhiệt độ Trái đất dưới ngưỡng 2 độ C và lý tưởng nhất là ở mức 1,5 độ C. Báo cáo công bố trước đó hồi tháng 8/2021 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho thấy nhiệt độ bề mặt Trái đất đã tăng 1,1 độ C kể từ thế kỷ 19 đến nay. Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng khí hậu dường như là khó tránh khỏi và con người sẽ phải thích ứng để vượt qua những thách thức sắp tới, cũng như bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất./.