Không chỉ tăng cường hỗ trợ Ukraine trong các chiến dịch đối phó với lực lượng đối lập tại miền Đông Ukraine, thời gian qua, Mỹ và phương Tây tiếp tục “bơm tiền” vào để cứu giúp nền kinh tế đang trên bờ vực phá sản của Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalie Jaresko ngày 12/3 cho biết, Ukraine hy vọng ngày 13/3 được nhận khoản giải ngân đầu tiên khoảng 5 tỷ USD trong chương trình cứu trợ của Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF). Theo bà Natalie Jaresko, Ngân hàng trung ương sẽ nhận khoảng 2,2 tỷ USD để ổn định đồng nội tệ. Số tiền còn lại sẽ dành cho chính phủ.
Khoản giải ngân được đưa ra sau khi IMF thông qua kế hoạch cho vay trị giá 17,5 tỷ USD cho Ukraine, để cứu nước này tránh khỏi vỡ nợ và ủng hộ các chính sách cải cách của Ukraine. Với các khoản tín dụng này, IMF hy vọng có thể giúp Ukraine giảm nhẹ được gánh nặng nợ 15,4 tỷ USD mà nước này đã và đang thương lượng với các chủ nợ.
Bà Natalie Jaresko cho biết: “Khoản giải ngân đầu tiên trong gói cho vay của Qũy Tiền tệ quốc tế chúng tôi dự kiến nhận trong ngày 13/03. Khoản tài chính này sẽ giúp chúng tôi tăng cường nguồn dự trữ tại Ngân hàng trung ương và chính phủ để trả những khoản cần thiết. Số tiền này sẽ giúp ổn định hệ thống tài chính Ukraine, bởi vì nó không chỉ dành cho người dân, chính phủ mà còn cho cả hệ thống tài chính để ổn định các ngân hàng”.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine cũng cho biết, nước này sẽ phát động một chương trình tư nhân hóa các công ty nhà nước vào cuối năm nay. Ngày 13/3, Kiev cũng bắt đầu cuộc đối thoại với các chủ nợ quốc tế về cơ cấu các khoản nợ, nhấn mạnh mong muốn tìm ra giải pháp về vấn đề này trong vòng ít nhất 2 tháng nữa. Đây là khoản vay thứ 2 dành cho Ukraine trong vòng chưa đầy một năm nhằm cứu nền kinh tế nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Năm ngoái, IMF cũng đã thông qua khoản vay cho Kiev với trị giá 17 tỷ USD trong vòng 2 năm. Trong chuyến thăm Ukraine ngày 12/3, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven cũng thông báo cho Ukraine vay 100 triệu USD không lãi suất.
Sự hỗ trợ tích cực của các thể chế tài chính quốc tế cùng các nước châu Âu đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Ukraine đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Đồng tiền Ukraine mất gần 70% giá trị so với đồng USD chỉ trong một năm. Tổng sản phẩm quốc nội giảm 7% trong năm 2014.
Ngành ngân hàng Ukraine cũng là một trong những phần yếu nhất trong nền kinh tế nước này với hơn 40 ngân hàng tuyên bố phá sản kể từ khi cuộc xung đột nổ ra tại quốc gia này.
Liên tiếp nhận được sự hỗ trợ tài chính quốc tế nhưng theo các chuyên gia, điều đó không thể giải quyết hết được những nguy cơ mà Ukraine đang phải đối mặt. Một loạt thỏa thuận của Ukraine với Liên minh châu Âu ký tháng 6 năm ngoái mang lại những ưu đãi về thương mại và hỗ trợ tài chính cho Kiev.
Tuy nhiên, một chuyên gia cố vấn ngành tài chính của chính phủ Ukraine cho rằng, rất khó để Ukraine có thể giảm thâm hụt tài chính thông qua việc tăng cường xuất khẩu, bởi vì nhiều sản phẩm của nước này cũng không đáp ứng được một số tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu.
Ông Boris Kushniruk cho biết: “Thỏa thuận với Liên minh châu Âu không thể ổn định nền kinh tế Ukraine. Nó chỉ giảm nhẹ những nguy cơ mà nước này đang phải đối mặt. Theo Ngân hàng trung ương quốc gia, thâm hụt tài chính của Ukraine năm ngoái đạt khoảng 5 tỷ USD. Tình hình tài chính đang thắt chặt và nhiệm vụ hiện nay đó là ủng hộ một số doanh nghiệp, giúp các sản phẩm của họ đáp ứng được tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu và tăng cường xuất khẩu tới Châu Âu”.
Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng cảnh báo, chương trình cứu trợ 40 tỷ USD dành cho Ukraine đối mặt với nhiều nguy cơ cao trong quá trình thực hiện, như hoàn toàn có thể thất bại nếu như thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng đối lập tại miền Đông bị phá vỡ, hoặc những vấn đề chính trị trong nước cũng như quá trình thực hiện các cải cách mà Ukraine phải tuân theo.
Để nhận được những khoản hỗ trợ quốc tế, Kiev sẽ phải tuân theo các điều kiện cải cách kinh tế, trong đó có việc thực hiện những cải cách sâu rộng trong ngành năng lượng, ngân hàng cũng như đối phó với tham nhũng.
Tuần trước, quốc hội Ukraine cũng đã thông qua một gói cải cách như cắt giảm lương, tăng giá khí đốt đối với hầu hết các hộ gia đình. Trong khi nền kinh tế đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn và xung đột tiếp diễn, các biện pháp cải cách kinh tế ngặt nghèo mà chính phủ Ukraine áp dụng có thể làm gia tăng làn sóng bất mãn trong bộ phận người dân Ukraine./.