Theo AFP, quyết định này của Ngân hàng Trung ương Ukraine được đưa ra trong bối cảnh chính quyền nước này đang tiến hành những biện pháp cải cách khắc khổ nhằm đạt được một gói cứu trợ tiếp theo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ngân hàng Trung ương Ukraine tuyên bố, việc tăng lãi suất “chóng mặt” từ 19,5% lên 30% là nhằm “ổn định tình hình kinh tế vĩ mô” và nhận được khoản cho vay trị giá 17m5 tỷ USD từ IMF để giúp kinh tế Ukraine không bị phá sản.
Việc tăng lãi suất này sẽ có hiệu lực trong ngày hôm nay (4/3).
Đồng Hryvnia của Ukraine đã mất giá tới 80% so với đồng USD kể từ khi xung đột diễn ra tại miền Đông và xuống đến mức kỷ lục 33,75 Hryvnia/1 USD vào cuối tuần qua trước khi quay lại ngưỡng 24 Hryvnia/1 USD vào ngày 3/3 vừa qua.
Công ty nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London gọi việc Ukraine tăng lãi suất cho vay nói trên là “nỗ lực cuối cùng để kiểm soát tiền tệ” trong bối cảnh tỉ lệ lạm phát của Ukraine trong tháng 1/2015 đã tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giá các loại mặt hàng thiết yếu như ngũ cốc và đường đã tăng đáng kể tại Ukraine.
Cũng trong ngày 3/3, Ủy ban Năng lượng Ukraine đã công bố tăng giá khí đốt lên 3 lần so với trước đó và cho biết đây là một trong những yêu cầu của IMF đối với nước này để đối lấy gói cứu trợ.
Việc tăng giá khí đốt diễn ra trong bối cảnh, đêm 2/3 Quốc hội Ukraine cũng đã thông qua việc cắt giảm một loạt các khoản chi ngân sách, trong đó bao gồm cả việc giảm 15% lương đối với những người đã về hưu vốn gây ra tranh cãi gay gắt trong Quốc hội nước này.
Trước khi đệ trình các đề xuất cắt giảm lên Quốc hội, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk tuyên bố: “Chúng ta đang phải rất khó khăn để tìm ra một giải pháp cho tình hình hiện nay”.
Không chỉ cắt giảm lương hưu, các Nghị sĩ Quốc hội Uktaine cũng đã bỏ phiếu thông qua việc cắt giảm chi tiêu cho Tập đoàn khí đốt Naftogaz cũng như thông qua luật chống lừa đảo.
Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Natalie Jaresko tuyên bố: “Những kẻ thực hiện việc lừa đảo khiến các ngân hàng bị phá sản giờ sẽ phải bị xét xử”.
Chính phủ Ukraine cũng đã dự báo nền kinh tế của nước này vẫn tiếp tục lún sâu trong suy thoái .
Hiện, Ukriane đang chờ mong IMF thông qua một khoản vay trị giá 40 tỷ USD cho nước này trong vòng 4 năm tới, trong cuộc gặp giữa hai bên vào ngày 11/3 tới. Phần lớn số tiền này sẽ nhằm giúp gia tăng số dự trự ngoại tệ của Ukraine.
Tính đến tháng 1/2015, quốc gia 45 triệu người này mới chỉ có 6,4 tỷ USD dự trữ, chỉ đủ chi cho nhập khẩu của nước này trong vòng 1 tháng.
Capital Economics hy vọng gói cứu trợ của IMF là đủ để “Ukraine có thể duy trì kinh tế trong một vài năm tới.
Tuy nhiên, công ty này cũng khẳng định: “Ukraine rõ ràng là đang cần gấp khoản viện trợ này” nhưng vẫn cảnh báo, “nếu không có một giải pháp hòa bình lâu dài cho miền Đông Ukraine, tình hình kinh tế của Ukraine sẽ khó có thể được cải thiện”./.