Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 8/10 tuyên bố, quân đội nước này sẽ tiếp tục truy quét các nhóm có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda tại châu Phi, song điều đó không đồng nghĩa với việc tham chiến tại khu vực này.

hien-truong-bat-coc.jpg
Hiện trường vụ  lực lượng biệt kích Mỹ bắt giữ Abu Anas al-Libi (Ảnh: AFP)

Tuyên bố của người đứng đầu chính quyền Mỹ được đưa ra sau khi các lực lượng biệt kích Mỹ tiến hành hai chiến dịch “chớp nhoáng” truy lùng các thủ lĩnh hàng đầu của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Libya và Somali.

Trả lời họp báo tại Washington, Tổng thống Obama nêu lên sự khác biệt giữa việc các lực lượng đặc nhiệm Mỹ truy quét những phần tử khủng bố âm mưu gây tổn hại cho nước Mỹ và việc Mỹ tham gia các cuộc chiến.

“Châu Phi là một trong những khu vực mà trong một số trường hợp, chính phủ thiếu khả năng kiểm soát tình hình. Đó là khu vực có địa hình thưa thớt dân cư, nên một số nhóm cực đoan dễ dàng ẩn náu ở đây. Chúng ta đang tiếp tục truy lùng chúng. Nhưng có sự khác biệt giữa việc chúng ta truy lùng các phần tử khủng bố với việc chúng ta can dự vào các cuộc chiến tranh”, ông Obama nêu rõ.

Ông Obama cho biết, Abu Anas al-Libi, tên thật là Nazih Abdul Hamed al-Raghie, thủ lĩnh hàng đầu của al-Qaeda bị biệt kích Mỹ bắt giữ tại Libya trong tuần qua, là kẻ đứng đằng sau các kế hoạch sát hại "hàng trăm người, trong đó có nhiều người Mỹ", đồng thời khẳng định tên này sẽ bị đưa ra xét xử.

Phát biểu của ông Obama được đưa ra sau khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ mới đây tiến hành hai cuộc đột kích bất ngờ truy lùng các thủ lĩnh hàng đầu của al-Qaeda ở Libya và Somali. An Libi đã bị đặc nhiệm Mỹ bắt giữ hôm 5/10 trong một vụ đột kích không thông báo trước cho chính quyền Libya ở thủ đô Tripoli. Đối tượng này bị truy nã với cáo buộc chủ mưu đánh bom các đại sứ quán Mỹ tại châu Phi cách đây 15 năm.

Cùng thời điểm này, lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng mở một cuộc đột kích quy mô lớn vào một căn cứ của tổ chức Hồi giáo cực đoan al-Shabaab tại thị trấn Baraawe ở Somali.

Theo Thời báo New York, mục tiêu của đợt tấn công chớp nhoáng này là bắt giữ một chỉ huy “đang bị truy tìm gắt gao” của al-Shabaab. Hành động này được cho là nhằm đáp trả cuộc tấn công đẫm máu vào trung tâm thương mại ở thủ đô của Kenya do các tay súng al-Shabaab tiến hành cuối tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức, vì lực lượng đặc nhiệm phải nhanh chóng rút quân để tránh gây thương vong.

Hành động này của lực lượng Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phía Libya. Bộ Ngoại giao Libya ngày 8/10 đã triệu Đại sứ Mỹ để yêu cầu làm rõ vụ việc, cho biết chính phủ Libya đã không nhận được thông báo nào về cuộc đột kích mới đây của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Bộ trưởng Tư pháp Libya Salah al Marghani thậm chí còn coi hành động này là hành động bắt cóc công dân Libya.

Quốc hội Libya cũng đã yêu cầu Mỹ trao trả đối tượng al-Libi, đồng thời mô tả chiến dịch của Mỹ là "sự vi phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia" của Libi.  

Trên thực tế, cách thức tấn công như vừa qua đã được quân đội Mỹ tiến hành trong vài năm qua tại các nước đồng minh chống khủng bố của họ là Yemen, Afghanistan và Pakistan, nhưng dường như không mang lại hiệu quả và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận những nước này.

Rút kinh nghiệm từ hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq chính phủ tiền nhiệm phát động mà hậu quả để lại vẫn còn nặng nề, Tổng thống Obama không “mặn mà” với chiến tranh quy mô lớn ở nước ngoài. Thay vào đó, ông tập trung và ưu tiên tiến hành các chiến dịch quân sự bằng máy bay không người lái, tên lửa phóng từ xa hoặc cử lực lượng tinh nhuệ xâm nhập và tấn công chớp nhoáng.

Nhưng thực chất Mỹ chỉ được lợi trước mắt. Khủng bố mà họ phải đối phó không chỉ quốc tế hóa mạnh mẽ hơn mà còn đã và đang tiếp tục phi tập trung hóa về tổ chức. Tiêu diệt được nhân vật cao cấp này thì các tổ chức khủng bố lại bầu ra thủ lĩnh khác. Dân luận Afghanistan và Pakistan bất bình với cách thức truy quét khủng bố hiện nay của Mỹ, bởi nó thiệt hại về người và của cho dân thường.

Một nhà báo Pakistan cho biết: “Pakistan không những phải hứng chịu những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mà cả những cuộc tấn công trên đường phố và những nơi đông người. Cuộc chiến này phải chấm dứt, vì người dân trong khu vực mong muốn hòa bình”.

Dư luận các nước mà Mỹ tiến hành các cuộc chiến chống khủng bố lên án Mỹ không tôn trọng chủ quyền, bất chấp luật pháp. Làn sóng này cũng đã bắt đầu xuất hiện ở các nước châu Phi./.