Hoa quả và thịt lợn là những mặt hàng chính mà Chính phủ Trung Quốc nhằm vào trong lần đáp trả thương mại này với Mỹ. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu nhằm vào 128 mặt hàng của Mỹ và quyết định có hiệu lực ngay từ ngày 2/4.

my_trung_xerd.jpg
Ảnh minh họa: AP

Thiệt hại cho phía Mỹ ước tính lên tới 3 tỷ USD. Những biện pháp này đưa ra sau nhiều tuần căng thẳng song phương, làm gia tăng lo ngại một cuộc xung đột thương mại lớn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trước đó, hồi đầu tháng 3 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu nhằm bảo vệ “an ninh quốc gia”. Một lý lẽ mà phía Trung Quốc coi như là “sự lạm dụng” các quy tắc của Tổ chức thương mại thế giới.

Ông Trương Kiến Bình, Tổng giám đốc Trung tâm hợp tác khu vực thuộc Viện hàn lâm hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc cho biết: “Hành động của Mỹ là một tín hiệu nguy hiểm cho thấy dường như nước này đang gạt sang một bên các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và bỏ qua mọi thứ để thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

Điều này là rất rủi ro. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, khi đề cập tới vấn đề này, cựu Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Pascal Lamy đã rất tức giận”.

Bộ Thương mại Trung Quốc thì cho rằng, những biện pháp của Mỹ chỉ nhằm vào một số quốc gia. Điều này vi phạm nghiêm trọng “quy tắc không phân biệt đối xử”, vốn được xem là nền tảng cơ bản của hệ thống thương mại đa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lợi ích của Trung Quốc.

Trên thực tế, quyết định của Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong đó có cả những nước đối tác truyền thống của Mỹ như Liên minh châu Âu dù sau đó đã phải ra quyết định miễn trừ thuế cho Liên minh châu Âu và một số nước, song không có Trung Quốc.

Phản ứng trước các biện pháp trả đũa thương mại của Trung Quốc, Chính phủ Mỹ hôm qua cáo buộc Trung Quốc đang “bóp méo” thị trường toàn cầu, đồng thời kêu gọi nước này không nên tấn công các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ “được buôn bán một cách công bằng”.

Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Lindsay Walters, hành vi trợ giá của Trung Quốc cũng như tình trạng cung thường xuyên vượt cầu là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng thép. Thay vì tấn công các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ được buôn bán một cách công bằng, Trung Quốc cần phải dừng các tập quán thương mại gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ và bóp méo thị trường”.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mặc dù sự căng thẳng đã gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, song sự đối đầu vẫn chưa dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại, do các hành động đáp trả lẫn nhau mới chỉ dừng lại ở một vài sản phẩm cụ thể. Như Trung Quốc, nước này tới nay vẫn cho thấy sự chừng mực khi chỉ nhằm vào khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc.

Nhật báo Thời báo Hoàn cầu cho rằng, nước này vẫn thận trọng khi không tấn công những sản phẩm nông nghiệp quan trọng của Mỹ như lúa miến hay các tập đoàn công nghiệp nhập khẩu như Boeing. Trung Quốc vẫn hy vọng “diệt từ trong trứng nước” một cuộc chiến thương mại. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, hợp tác Mỹ- Trung, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là lựa chọn duy nhất có thể.

Trong khi đó, dù tỏ ra cứng rắn, song Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hồi giữa tuần trước cũng cho rằng, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ chỉ là bước khởi đầu cho một loạt các cuộc đàm phán.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Elizabeth Warren hồi cuối tuần trước đã có cuộc gặp với các quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có phó Thủ tướng Lưu Hạc, được xem là người chỉ huy chính sách kinh tế của đất nước. Tuy nhiên mọi kịch bản đều là có thể.

Cũng theo tờ Thời báo Hoàn cầu số ra mới đây cho biết, Trung Quốc gần như đã hoàn tất danh sách thuế đáp trả đối với các mặt hàng của Mỹ và sẽ sớm công bố. Nếu xảy ra, thì đây "sẽ là một cú sốc lớn” đối với Mỹ và có thể kích hoạt một cuộc chiến thương mại./.