Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương tuyên bố đã bắt đầu lắp đặt các bộ phận đầu tiên của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

thaad_nwoe.jpg
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Ảnh: Reuters

Đoạn video do Không quân Mỹ cung cấp cho thấy các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa đã được chuyển tới căn cứ Không quân Osan tại khu vực Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 70km về phía Nam, từ một ngày trước đó. Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối bao gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar X-band và hệ thống kiểm soát.

Mỹ bắt đầu quy trình triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) 24 giờ sau khi Triều Tiên phóng 4 tên lửa vào vùng biển phía Đông nước này.

Tuyên bố của Mỹ đưa ra cùng thời điểm Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát và chỉ đạo vụ phóng tên lửa sáng 6/3. KCNA đưa tin vụ phóng tên lửa này nằm trong khuôn khổ cuộc diễn tập phóng tên lửa đạn đạo tấn công các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản.

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực được đẩy lên cao sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, tuyên bố bắt đầu triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ sẽ giống như đổ thêm dầu vào lửa. Nhất là khi Trung Quốc phản đối mạnh mẽ kế hoạch này của Mỹ và Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ làm mất cân bằng an ninh trong khu vực.

Trung Quốc đã có những biện pháp trả đũa với Hàn Quốc liên quan tới kế hoạch này, trong đó có lệnh cấm du lịch tới Hàn Quốc. Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc sau khi đồng ý đổi đất để Chính phủ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa cũng đã rơi vào tầm ngắm của Trung Quốc.

Cũng trong ngày 7/3, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ hỗ trợ khẩn cấp các công ty vừa và nhỏ đang phải đối mặt với các nguy cơ tài chính do Trung Quốc thực hiện một loạt các hành động trả đũa.

Ngay tại Hàn Quốc, kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ cũng vấp phải nhiều phản đối. Ứng cử viên Tổng thống Lee Jae-myung, Thị trưởng thành phố Seongnam đã lên tiếng phản đối, thể hiện quan ngoại về những ảnh hưởng từ hệ thống này.

Ông Lee Jae-myung là ứng cử viên Tổng thống của đảng đối lập lớn nhất tại Hàn Quốc và là một trong những người dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận.

Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm qua, ông Lee Jae-myung nói: “Chúng ta phải nhận ra điều rõ ràng rằng Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối không thể ngăn chặn các tên lửa của Triều Tiên. Hệ thống này không thể bảo vệ cho tất cả các khu vực của Hàn Quốc, mà còn làm gia tăng căng thẳng quân sự trong khu vực.

Thực tế, triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối sẽ gây ảnh hưởng tới cả Hàn Quốc và Trung Quốc. Không ai được lợi từ kế hoạch này. Việc bắt đầu triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối là một sai lầm mà chúng ta phải cân nhắc lại. Nếu không tương lai của chúng ta sẽ bị phủ bóng bởi tình trạng hỗn loạn và an ninh bất ổn”.

Chính phủ Hàn Quốc năm ngoái quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại một sân golf của Tập đoàn Lotte ở khu vực Seongju, phía Đông Nam nước này.

Sau khi đạt được thỏa thuận đổi đất với Lotte các thủ tục còn lại sẽ nhanh chóng được hoàn tất để triển khai và đưa hệ thống phòng thủ tên lửa vào vận hành vào cuối năm nay như kế hoạch của Hàn Quốc và Mỹ.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối được thiết kế nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo bay ở độ cao trong và ngoài bầu khí quyển, đem đến một hệ thống phòng thủ tầm xa hơn hệ thống PAC-3 mà lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang triển khai hiện nay./.