Thực hiện nhiều chuyến thăm, đưa ra nhiều lời kêu gọi để thúc giục Triều Tiên nối lại đàm phán, song giới chức Mỹ hiện cũng đang tính đến “mọi kịch bản” để đón nhận những “món quà Giáng sinh” mà Bình Nhưỡng có thể sắp trao tặng. Tình hình bán đảo Triều Tiên hiện tiếp tục được dư luận hết sức quan tâm.
Hình ảnh người dân theo dõi thông tin vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên qua màn hình ở Seoul, Hàn Quốc ngày 31/7/2019. Ảnh: Reuters |
Thăm Đông Bắc Á trong nhiều ngày, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Bigun đang thực hiện “sứ mệnh cao cả” là níu giữ tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều, đảm bảo rằng “Triều Tiên sẽ không tìm một ngã rẽ mới” khi tiến trình này đang bế tắc.
Sau khi tới Hàn Quốc và Nhật Bản, Đặc phái viên Mỹ tới thăm Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại đây, ông có các cuộc gặp riêng rẽ với 2 Thứ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà là Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) và La Chiếu Huy (Luo Zhaohui), để cùng bàn về tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Dù chi tiết nội dung các cuộc gặp không được tiết lộ, song Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận hai bên đều nhất trí về sự cần thiết của việc duy trì đối thoại Mỹ - Triều.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: “Qua các cuộc gặp với phía Mỹ, chúng tôi một lần nữa kêu gọi cả Mỹ và Triều Tiên nhanh chóng khôi phục tiến trình đối thoại và xúc tiến các cuộc gặp, để tìm ra giải pháp xây dựng lòng tin, hóa giải sự khác biệt. Mỹ và Trung Quốc cũng nên làm việc với nhau, từng bước một, để đẩy mạnh việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, thiết lập cơ chế hòa bình cho bán đảo. Hiện Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý duy trì liên lạc với nhau trong vấn đề Triều Tiên”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng bày tỏ hy vọng nước này có thể tái khởi động quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, trong bối cảnh đang gần tới hạn chót cuối năm mà Bình Nhưỡng đưa ra để Washington thay đổi lập trường trong đàm phán.
Tuy nhiên, ông Mark Esper cùng giới chức cấp cao quốc phòng Mỹ đều khẳng định, Mỹ đang ở “trong trạng thái sẵn sàng cao độ, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng”.
“Giải pháp chính trị là cách tốt nhất để thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết các chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Như tôi đã tuyên bố, nước Mỹ có hai nhiệm vụ: Một đó là luôn trong tình trạng sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến và chắc chắn sẽ giành chiến thắng vào bất cứ thời điểm nào nếu cần thiết. Nhiệm vụ thứ 2 đó là thúc đẩy con đường đối thoại ngoại giao”, Bộ trưởng Mark Esper khẳng định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley tái khẳng định, mối quan hệ liên minh Mỹ- Hàn và Nhật Bản đang rất vững chắc để đối phó với mọi thách thức.
Đến nay, lời kêu gọi đàm phán của Mỹ vẫn chưa được phía Triều Tiên chính thức trả lời. Tuy nhiên, trong ngày 20/12, Bình Nhưỡng tuyên bố “Mỹ sẽ phải trả giá đắt” khi đã động đến vấn đề nhân quyền của nước này.
Hiện có nhiều quan ngại Triều Tiên có thể sẽ nối lại hoạt động thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa nếu Mỹ không đưa ra các đề xuất mới trong các cuộc đối thoại. Trung Quốc và Nga đang kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên, cho rằng đây là giải pháp tốt nhất để hạ nhiệt căng thẳng, cũng như hóa giải thế bế tắc hiện nay trong đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên./.Triều Tiên im lặng đáng sợ, Mỹ tính tới lựa chọn thời “lửa giận dữ“
Hạn chót cận kề, Mỹ vẫn muốn thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên