Theo kế hoạch, ông John Kerry cũng sẽ dừng chân tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hàn gắn quan hệ đồng minh đang rạn nứt nghiêm trọng giữa nước này với Israel. Dù không được kỳ vọng nhiều về khả năng tạo ra đột phá nhưng chuyến thăm Trung Đông thứ 3 của Ngoại trưởng John Kerry chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong chính sách của Tổng thống Mỹ Obama so với nhiệm kỳ đầu, khi mà cả ông Obama lẫn Ngoại trưởng Clinton đều không đưa ra biện pháp đáng nào kể để giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine.

johnkerry-(1).jpg2.jpg
Ngoại trưởng John Kerry. (ảnh: ipelineobserver.ca).

Ngoại trưởng John Kerry sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem và Tổng thống Palestine Mamuh Abbas tại Ramallah nhằm tham khảo ý kiến và đánh giá những gì hai bên có thể chấp nhận để ngồi vào bàn đàm phán.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết: “Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn xem xét những khả năng có thể thực hiện. Ngoại trưởng Kerry cam kết sử dụng mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo Israel và Palestine để khuyến khích 2 bên cởi mở, sáng tạo, sẵn sàng thoả hiệp, nỗ lực xây dựng lòng tin và tạo ra một môi trường mà Mỹ có thể hỗ trợ".

Chuyến thăm của ông John Kerry diễn ra vào thời điểm giao tranh lại bùng phát dữ dội giữa Israel và các phần tử vũ trang Palestine tại dải Gaza. Hôm 3/4 vừa qua, các tay súng Palestine đã nã rocket vào phía Nam Israel, và Tel Aviv đáp trả bằng đợt không kích đầu tiên vào dải Gaza kể từ khi thoả thuận ngừng bắn giữa 2 bên có hiệu lực vào tháng 11/2012. 

Cuộc đàm phán hoà bình đầu tiên giữa Israel và Palestine theo đề xuất của Tổng thống Obama diễn ra năm 2010 nhưng nhanh chóng lâm vào bế tắc khi Israel cương quyết không nhượng bộ Palestine trong một loạt các vấn đề nhạy cảm như: xây dựng khu định cư Do thái tại vùng đất tranh chấp, các đường biên giới trong tương lai, hay thành phố Jerusalem mà cả 2 bên đều tuyên bố sẽ lấy làm thủ đô. Trong khi đó, nội bộ lãnh đạo của Palestine cũng có quan điểm trái ngược: một số quan chức cấp cao yêu cầu Israel nhượng bộ triệt để trước khi bắt đầu đàm phán và một số thẳng thừng bác bỏ bất kỳ đề xuất đàm phán nào.

Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat cho biết, chìa khoá mở cánh cửa đàm phán nằm ở khả năng tuân thủ các cam kết của Israel, đặc biệt là ngừng xây dựng các khu định cư, phóng thích tù nhân Palestine và chấp nhận giải pháp 2 nhà nước dựa trên các đường biên giới năm 1967.

Theo giới phân tích chính trị, Ngoại trưởng John Kerry cần tìm cách giải quyết từng phần, thay vì tìm kiếm một giải pháp tổng thể cho cuộc xung đột dai đẳng nhiều thập kỷ qua giữa Israel và Palestine.

Trong chuyến công du Trung Đông lần này, ông Kerry cũng sẽ dừng chân tại Thổ Nhĩ Kỳ để hâm nóng quan hệ giữa nước này và Israel. Mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel bắt đầu rạn nứt nghiêm trọng vào năm 2010, sau khi Israel tấn công một chiếc tàu chở hàng viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho người dân Palestine tại Gaza, khiến 8 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này chỉ chấp nhận nối lại quan hệ đẩy đủ với Israel nếu Tel Aviv đồng ý bồi thường thiệt hại và nới lỏng phong toả khu vực Gaza.

Sau chuyến thăm Trung Đông, Ngoại trưởng John Kerry tới Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo luận các vấn đề song phương và đa phương như: kinh tế và an ninh, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Đây được coi là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong cách đối phó của Mỹ trước những tuyên bố gây hấn gần đây của Triều Tiên.

Sau khi điều máy bay ném bom chiến lược B-52 và chiến hạm chống tên lửa tới bán đảo Triều Tiên cũng như triển khai hệ thống phòng tên lửa tại  Alaska và Guam, chính quyền Obama có vẻ như đang tìm cách giảm căng thẳng qua các giải pháp ngoại giao, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, để đối phó với tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Giới phân tích nhận định rằng cơ hội giải quyết vấn đề Triều Tiên là rất lớn khi Trung Quốc đang thay đổi chính sách đối với Triều Tiên, thể hiện qua việc Bắc Kinh nhất trí với các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận vai trò mấu chốt của Trung Quốc trong nỗ lực ngoại giao đối với CHDCND Triều Tiên khi Người phát ngôn Victoria Nuland nêu rõ Trung Quốc là "đòn bẩy" mạnh nhất đối với Triều Tiên.

Trước chuyến thăm Đông Bắc Á lần này, Ngoại trưởng J.Kerry đã nhiều lần điện đàm với Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc, Dương Khiết Trì trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng trao đổi ý kiến với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn.

Giới phân tích cho rằng thay vì đáp trả bằng quân sự, Mỹ nên sử dụng những tuyên bố và hành động gây căng thẳng của Triều Tiên để thống nhất quan điểm của cộng đồng quốc tế đối với cách hành xử của Bình Nhưỡng./.