Mỹ đang thúc giục Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Ngoại thương của Triều Tiên, do nghi ngờ ngân hàng này đã hỗ trợ tài chính cho chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

trieu%20tie.jpg
Ảnh chụp từ video vụ phóng tên lửa Unha-3 của Triều Tiên (Nguồn: Reuters)

Đầu tháng này, Triều Tiên đã lên tiếng đe dọa Mỹ sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thắt chặt cấm vận sau vụ thử hạt nhân thứ ba của Bình Nhưỡng.

Một vài ngày sau đó, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tom Donilon cho biết, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt với Ngân hàng Ngoại thương, tổ chức có liên quan tới các hoạt động trao đổi với nước ngoài của Triều Tiên, với lý do vai trò của tổ chức này trong việc hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

"Việc xử phạt Ngân hàng Ngoại thương là một quyết định quan trọng và chúng tôi hy vọng Liên minh châu Âu xem xét nghiêm túc vấn đề này ", quan chức Bộ Ngoại giao tuyên bố trong một cuộc họp báo.

Mỹ vẫn cho rằng việc Triều Tiên phóng tên lửa vào tháng 12/2012 không chỉ là một thử nghiệm về công nghệ mà tiến tới có thể mang đầu đạn hạt nhân và có khả năng đánh trúng mục tiêu xa xôi, kể cả Mỹ.

Các quan chức Bộ Ngoại giao cho biết, tình hình đã trở nên phức tạp, đã đến lúc EU cần áp đặt lệnh trừng phạt với Ngân hàng Ngoại thương bởi đại sứ quán một số nước châu Âu ở Bình Nhưỡng, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nhân đạo đang sử dụng ngân hàng này cho các hoạt động của mình.

27 quốc gia EU đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên hồi tháng trước. Các lệnh trừng phạt được mở rộng dựa trên sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đưa ra các biện pháp ngăn chặn đối với việc kinh doanh trái phiếu chính phủ Triều Tiên, các kim loại vàng quý giá khác và kim cương.

Các lệnh trừng phạt của EU cũng cấm các ngân hàng Triều Tiên mở chi nhánh mới tại Liên minh châu Âu và các ngân hàng châu Âu mở chi nhánh mới tại Triều Tiên.

Một nguồn tin EU cho biết Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên không nằm trong danh sách hiện hành chịu các biện pháp trừng phạt của EU. Các nhà ngoại giao EU đang nghiên cứu các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc và dự kiến ​​sẽ thảo luận về các hình thức xử phạt bổ sung.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, ông đã xem xét lại các lệnh trừng phạt và thấy rằng việc trừng phạt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Triều Tiên, bởi nền kinh tế của nước này quá nhỏ và cách biệt. "Với các động thái gia tăng đe dọa từ Triều Tiên, việc tăng cường các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa như một phép thử. Chính phủ Mỹ và Nhà Trắng đang làm việc rất chặt chẽ với nhau để xem những gì có thể được thực hiện", ông nói.

Ông này cũng cho biết vẫn còn phạm vi để gia tăng các biện pháp trừng phạt với  Triều Tiên. "Chúng tôi chưa rõ những gì mình làm có thành công hay không tuy nhiên chúng tôi vẫn phải tiến hành những phép thử", quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh./.