Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (7/11), đưa ra các bước đi nhằm cải thiện quan hệ nhằm giải quyết bất đồng ngoại giao, với việc hai bên tuyên bố nới lỏng việc cấp thị thực. Tuy nhiên, giới quan sát bày tỏ không mấy lạc quan về triển vọng có thể kéo hai đồng minh quan trọng trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này xích lại gần nhau vì nhiều bất đồng còn tồn tại. 

my_tho_nhi_ky_nrmi.jpg
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim trong một lần gặp gỡ trước đây. Ảnh: mynet.

Việc cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố sẽ nối lại việc cấp thị thực một cách giới hạn được thực hiện 1 ngày trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. Ông Yildirim dự kiến có cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vào ngày mai (9/11), thảo luận một loạt các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên.

Căng thẳng giữa hai nước nảy sinh, với các biện pháp trả đũa lẫn nhau bằng việc dừng cấp thị thực sau khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 1 nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Istanbul do nghi ngờ có quan hệ với nhóm mà chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đánh giá đây là một bước đi đúng hướng, trong khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim gọi đây là một bước đi tích cực.

Mặc dù cả hai bên đều có những bước đi hòa giải nhưng giới quan sát cho rằng, kể cả khi vấn đề thả các công dân hai nước bị bắt giữ được thực hiện vẫn chưa đủ để cải thiện mối quan hệ giữa hai quốc gia này.

Thực tế bất đồng về vấn đề thị thực chỉ là nấc thang mới trong mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO, đang rơi xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ  đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề gai góc khác, khó có thể được giải quyết trong tương lai gần như dẫn độ giáo sĩ Gulen đang lưu vong tại Mỹ – bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành tại quốc gia này hồi năm ngoái; quyết định của Mỹ vũ trang cho người Kurd tại Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là "những phần tử khủng bố" cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ mua một hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga… 

Giới quan sát nhận định, vẫn còn có nhiều bất đồng và nghi kị lẫn nhau hơn là tinh thần hợp tác trong chuyến thăm tới Mỹ lần này của  Thủ tướng Yildirim. Mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO này sẽ luôn bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài cũng như lợi ích quốc gia.

Chuyên gia phân tích Julian Rimmer tại Anh nhận định, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan sẽ luôn lấy lợi thế của việc gia tăng hợp tác hướng đến Nga nếu không nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong các chính sách ngoại giao trong tương lai gần./.