Với việc bổ sung thêm 217 binh lính, sẽ tăng tổng lực lượng Mỹ tại Iraq là 4.087 người, trong đó bao gồm cả lực lượng đặc nhiệm Mỹ, lực lượng an ninh bảo vệ cho các cố vấn và nhóm bảo dưỡng máy bay Apaches.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ cung cấp 415 triệu USD cho các tay súng người Kurd, đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS. Lần triển khai quân này nhằm tạo đà cho giai đoạn quyết định đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Iraq. 

isis_middle_east_iraq_kvtr.jpg
Khói bốc lên sau một trận đánh với phiến quân IS ở Baghdad, Iraq. (ảnh: Getty).

Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần trước cho biết, IS đang trong giai đoạn phòng thủ sau khi mất gần 40% lãnh thổ tại Iraq cùng hàng loạt chỉ huy bị tiêu diệt trong các cuộc không kích tại Syria.

Việc bổ sung thêm quân và binh lính cho phép quân đội Mỹ trợ giúp lực lượng an ninh Iraq bước vào giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến chống IS, chiếm lại thành phố lớn thứ 2 Mosul của Iraq.

Chiếm lại thành phố chiến lược Mosul được cho là thách thức lớn nhất của quân đội Iraq kể từ khi IS chiếm các vùng lãnh thổ của Iraq cách đây 2 năm. Mỹ cũng đã đưa ra đề nghị triển khai máy bay chiến đấu Apache đến Iraq năm ngoái trong chiến dịch tái chiếm thành phố Ramadi, nhưng chính phủ Iraq không chấp nhận.

Tuy nhiên, cuộc chiến tại Mosul được đánh giá là sẽ khó khăn hơn rất nhiều, với 1 triệu dân thường và hàng nghìn tay súng IS vẫn đang ở đó. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, với sự hỗ trợ của Mỹ, thành phố Mosul sẽ sớm về tay quân đội chính phủ: “Chúng ta hãy tiếp tục củng cố các nguồn lực cho quân đội Iraq đang tiến hành cuộc chiến và đạt được những bước tiến lớn trước IS. Chúng tôi sẽ không thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, nhưng Mỹ sẽ đào tạo, chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ với các điều kiện chúng tôi có. Với sự hỗ trợ này, tôi hi vọng vào cuối năm nay, chúng ta có thể tái chiếm được thành phố Mosul”.

Bên cạnh việc củng cố sức mạnh cho lực lượng an ninh Iraq trong cuộc chiến chống IS, giới quan sát cho rằng, bước đi mới của Mỹ cũng nhằm lấy lại uy tín cho nước này trong cuộc chiến chống IS nói chung, cũng như gia tăng vai trò của Mỹ tại Iraq nói riêng, trong bối cảnh Nga đang có ảnh hưởng lớn trong khu vực.

Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria- láng giềng của Iraq tháng 9 năm ngoái được cho là bước ngoặt cho cuộc chiến chống IS, mang lại sự thay đổi tích cực cho bức tranh chính trị tại quốc gia Trung Đông trải qua hơn 5 năm xung đột. Còn Mỹ đã thực hiện chiến dịch chống IS tại Iraq và Syria hơn 1 năm qua nhưng vẫn chưa đạt được nhiều bước tiến lớn. 

Trước sức ép cần phải tăng cường cuộc chiến chống IS, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nhiều lần úp mở khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ không kích của Nga tại quốc gia này, đặt ra các câu hỏi về khả năng Nga có thể mở rộng chiến dịch không kích từ Syria sang Iraq.

Mỹ cảnh báo Iraq rằng, các cuộc không kích của Nga tại Iraq sẽ cản trở chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu. Chính vì vậy quyết định tăng cường hỗ trợ cho Iraq trong giai đoạn này được cho là biện pháp đảm bảo Iraq không tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga cũng như gia tăng vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động mở rộng hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Iraq cũng chỉ trong giới hạn, vì các đối tác chính trị của Thủ tướng Iraq al-Abadi tuyên bố, sẽ không bao giờ chấp nhận việc mở rộng vai trò của quân đội Mỹ tại quốc gia này, đặc biệt là khả năng triển khai bộ binh. 

Nhằm xoa dịu những lo ngại của chính phủ Iraq khi Mỹ hỗ trợ tài chính cho lực lượng người Kurd, các quan chức quốc phòng Mỹ thông báo, số quĩ này sẽ được thực hiện thông qua chính phủ trung ương Iraq./.