Phương án an ninh cho lễ nhậm chức sau vụ hỗn loạn ở quốc hội
Sự kiện hôm 6/1 tại trụ sở quốc hội Mỹ đã khiến giới chức liên bang và thủ đô Washington rất lo ngại lễ nhậm chức sẽ không diễn ra suôn sẻ và có thể bị những người phản đối kết quả bầu cử tới làm loạn. Chính vì vậy, 25.000 vệ binh quốc gia đã được huy động tới thủ đô Washington và nhiều vệ binh quốc gia thậm chí đã được trang bị vũ khí để đề phòng tình trạng bạo lực do người biểu tình gây ra sau khi có cảnh báo của các cơ quan an ninh về việc các nhóm biểu tình, đặc biệt là các nhóm cực hữu, có thể mang theo vũ khí mặc dù điều này bị cấm trong dịp này.
Số vệ binh quốc gia được triển khai trong dịp này còn nhiều hơn cả tổng số binh sỹ Mỹ ở Afghanistan và Iraq và hiếm khi trong thời bình người ta lại thấy nhiều binh sỹ tới vậy tại một thủ đô với dân số chỉ khoảng 700.000 người.
Toàn bộ khu vực quốc hội và trung tâm thành phố, các tuyến phố dẫn vào trung tâm đều được canh gác nghiêm ngặt với các trạm kiểm soát an ninh, xe cộ đi vào đều bị kiểm tra an ninh và thẻ căn cước. Ngoài ra, các bến tàu điện ngầm dẫn tới trung tâm thành phố cũng bị đóng cửa, một số dịch vụ cho thuê chỗ ở cũng tạm ngừng hoạt động nhằm hạn chế số người đổ về thủ đô Washington cũng như làm giảm rủi ro an ninh trong dịp này.
Để đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức, thậm chí các thành viên vệ binh quốc gia và một số cơ quan an ninh cũng phải trải qua quá trình thẩm định thông tin cá nhân vì có thông tin cho rằng một số thành viên có thể tham gia tạo điều kiện cho người biểu tình gây rối.
Giới chức liên bang và địa phương đều kêu gọi người dân không nên tới tham dự lễ nhậm chức lần này vì lý do an ninh và thứ hai là tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Đánh giá về nguy cơ mất an ninh trong dịp này
Chỉ cần nhìn vào công tác chuẩn bị và việc triển khai một số lượng lớn vệ binh quốc gia, chưa kể tới các lực lượng an ninh khác như cảnh sát và các cơ quan điều tra liên bang và tình báo có thể thấy lo ngại về nguy cơ mất an ninh cao như thế nào, đặc biệt là sau sự kiện những người ủng hộ ông Trump gây bạo loạn ở tòa nhà quốc hội hôm 6/1. Sau sự kiện này, rất nhiều người phản đối kết quả bầu cử vẫn tiếp tục đưa ra các cảnh báo được đánh giá là có thể khiến tình hình bất ổn hơn, thậm chí là bạo lực tại lễ nhậm chức Tổng thống. Nguy cơ có thể không chỉ tới từ những người ủng hộ ông Trump mà còn có thể tới từ các nhóm cực đoan, phân biệt sắc tộc.
Không chỉ ở thủ đô Washington, tất cả các bang ở Mỹ đều đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong dịp này và toàn bộ trụ sở quốc hội bang đều đã được phong tỏa và bảo vệ nghiêm ngặt do lo ngại người biểu tình sẽ xuất hiện và gây hỗn loạn tại đây.
Người dân Mỹ chờ đợi gì từ lễ nhậm chức?
Sau những gì nước Mỹ đã trải qua trong một năm vừa qua, có thể thấy người dân Mỹ đã quá mệt mỏi. Từ dịch bệnh Covid-19 khiến nước Mỹ trở thành ổ dịch khổng lồ với hàng trăm nghìn ca tử vong, thiệt hại về kinh tế, việc làm và những ảnh hưởng tâm lý đã khiến 2020 trở thành một năm đáng quên.
Sau những khó khăn phải trải qua, chắc chắn người dân Mỹ sẽ đặt nhiều hy vọng vào cuộc bầu cử để bầu ra người dẫn dắt đất nước thoát khỏi những khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, có thể nói, sự kiện này cũng khiến cho nhiều người mệt mỏi và thất vọng. Cuộc bầu cử đã khiến nước Mỹ chia rẽ sâu sắc từ chính trị cho tới xã hội và kéo dài tới tận 2 tháng mới thực sự ngã ngũ.
Lễ nhậm chức của ông Joe Biden có thể được xem là dấu chấm hết cho một mùa bầu cử đầy kịch tính của nước Mỹ nhưng chắc chắn sự kiện này, cùng với cuộc bầu cử năm 2020 sẽ còn được nhắc lại nhiều trong lịch sử nước Mỹ. Đa số người dân Mỹ chắc chắn chỉ mong lễ nhậm chức diễn ra suôn sẻ để chính quyền mới chính thức bắt đầu nhiệm kỳ và công việc của mình, chèo lái cường quốc số 1 thế giới vượt qua thách thức lớn nhất đó là hàn gắn chia rẽ và đoàn kết nước Mỹ trước khi hướng tới những mục tiêu khác, cả đối nội và đối ngoại./.