Mỹ cùng các đối tác khu vực đang tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và tổ chức vũ trang Hamas.
Căng thẳng và bạo lực giữa Israel và Hamas đã bước sang ngày thứ 7 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từ đêm ngày 15/5 tới rạng sáng ngày 16/5, quân đội Israel cho biết đã thả 100 quả bom xuống hệ tống đường hầm dưới đất của Hamas với tên gọi Metro và phá hủy các tòa nhà của thủ lĩnh Hamas Sinwar và một số quan chức của tổ chức này.
Trong khi đó, Hamas trong ngày 15/5 cũng bắn rốc-két liên tiếp vào các thành phố và thị trấn dọc biên giới phía Nam Israel cũng như khu Bờ Tây và thủ đô Tel Aviv của Israel. Riêng trong đêm 15/5, Tel Aviv đã phải hứng chịu các đợt rốc-két nhiều hơn cả trong suốt cuộc chiến Israel - Gaza năm 2014.
Trong sáng 16/5, Ai Cập đã mở cửa khẩu Rafah một ngày sớm hơn so với dự kiến nhằm cho phép những người tìm kiếm trợ giúp y tế và nhân đạo từ Gaza vào Ai Cập. Ai Cập cũng đã huy động 16 xe cứu thương tới Gaza để vận chuyển và trợ giúp những người bị thương tại các bệnh viện Ai Cập.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công bằng rốc-két của Hamas, tổ chức đang nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, và các nhóm khủng bố khác tại Gaza. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ quan ngại về thiệt hại về người bao gồm trẻ em ở cả hai phía cũng như việc Israel nhắm tới các nhà báo ở Gaza.
Các cuộc không kích của Israel ngày 15/5 đã phá hủy nhiều tòa nhà cao tầng trong đó bao gồm 1 tòa nhà 12 tầng nơi có văn phòng của hãng tin AP và Al Jazeera. Quân đội Israel cho rằng nơi này có các tài sản quân sự của Hamas mặc dù không đưa ra chứng cứ.
Tổng thống Biden cho biết, ông đặc biệt quan ngại về các vụ đụng độ giữa người A-rập và người Do Thái vốn tiếp diễn trong ngày 15/5, dịp kỷ niệm Ngày Nakba “Thảm họa” của Palestine khi hàng trăm nghìn người dân phải rời bỏ quê hương vào năm 1948. Sự kiện này đã dẫn tới hàng nghìn người dân Palestin biểu tình trên các đường phố ở khu Bờ Tây và Israel.
Trong một cuộc gọi riêng với Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Palestin Mamoud Abbas cho biết, đã có nhiều cuộc tiếp xúc nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết chiến dịch ở Gaza dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều ngày nữa.
Các nhà trung gian hòa giải từ Mỹ, Ai Cập, Qatar và Jordan đã nỗ lực trong mấy ngày qua nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng.
Saudi Arabia ngày 16/5 đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trực tuyến của Tổ chức hợp tác Hồi giáo bao gồm 57 thành viên nhằm thảo luận sự hung hăng của Israel trên lãnh thổ Palestin. Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan kêu gọi ngừng ngay lập tức các chiến dịch quân sự và cho phép viện trợ và điều trị cho những người bị thương.
Hoàng tử Faisal bin Farhan cũng lên án việc người Palestin bị ép buộc phải rời khu Đông Jerusalem, ám chỉ tranh chấp giữa Israel và Palestin xung quanh khu Sheikh Jarrah khiến xung đột bùng phát 1 tuần trước đây.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ nhóm họp khẩn cấp trong ngày 16/5 để thảo luận cách thức tháo ngòi cuộc xung đột.
Phát ngôn viên các lực lượng phòng vệ Israel, Tướng Jonathan Conricus cho biết, Hamas đã bắn khoảng 3.000 quả rốc-két kể từ khi bạo lực bùng phát thứ hai tuần trước. Hàng trăm quả rốc-két đã trượt mục tiêu và rơi vào Dải Gaza. Khoảng 90% số rốc-két bắn vào không phận Israel đã bị đánh chặn bởi hệ thống phòng không Vòm sắt của nước này.
Trong khi đó, theo Tướng Conricus, Israel đã nhắm tới khoảng 700 mục tiêu ở Gaza trong tuần qua đồng thời nhấn mạnh chiến dịch của Israel sẽ chấm dứt khu Hamas ngừng nhắm tới Israel như điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán. Tướng Conricus cũng nhấn mạnh, các chỉ dẫn quân sự sẽ tiếp tục được thực hiện cho tới khi mọi năng lực hiện tại và trong tương lai của Hamas và các nhóm dân quân khác ở Gaza bị phá hủy./.