Nếu được triển khai trên thực tế, thì đây sẽ là lần tăng quân đầu tiên kể từ năm 2010 và cũng một lần nữa cho thấy sau gần 20 năm, Afghanistan vẫn là một điểm nóng quân sự không dễ hạ nhiệt tại khu vực và thế giới.
Từ nhiều tháng nay, các tướng lĩnh quân đội Mỹ tại khu vực đã yêu cầu tăng thêm hàng nghìn binh sĩ nhằm hỗ trợ Chính phủ Afghanistan đối phó với sức ép ngày càng tăng từ nhóm phiến quân Taliban.
Theo một quan chức Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã giao cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis toàn quyền quyết định trong vấn đề này, tức là có thể điều chỉnh số lượng binh sĩ ở Afghanistan, qua đó mở cánh cửa cho việc tăng cường lực lượng ở quốc gia Nam Á này trong tương lai.
Kể từ khi được chỉ định làm người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ, ông James Mattis chưa có bất kỳ phát biểu công khai nào về vấn đề này, song theo các nhà phân tích, rất ít khả năng ông sẽ từ chối yêu cầu tăng quân tới Afghanistan.
Bởi trên thực tế, ông Mattis đã nhiều lần cảnh báo tình hình an ninh xuống cấp tại Afghanistan, nhất là sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của nhóm phiến quân Taliban và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Phát biểu trong phiên điều trần ngày 13/6 tại Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng cho rằng, cần phải nhanh chóng triển khai những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn bước tiến của nhóm phiến quân Taliban.
Ông Mattis thừa nhận, lực lượng Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn vẫn không thể đánh bại được Taliban sau hơn 15 năm chiến tranh: “Thực tế là không phải chúng ta đang giành thắng lợi và chúng ta phải sửa chữa điều này càng sớm càng tốt. Tôi tin rằng có rất nhiều thứ mà chúng ta yêu cầu để có thể xứng đáng với uy tín của đất nước, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải nhìn ra xa hơn, đó là bảo vệ đất nước. Đến giữa tháng 7 chúng tôi sẽ công bố chi tiết kế hoạch. Song các hành động đang và sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo chúng ta không phải trả giá về sự chậm trễ của mình”.
Mỹ hiện duy trì khoảng 8.400 binh lính tại Afghanistan và các tướng lĩnh quân đội nước này đang yêu cầu chính phủ tăng cường thêm khoảng từ 3.000-5.000 quân. Nếu được thông qua thì đây sẽ là lần tăng quân đầu tiên kể từ năm 2010.
Hiện cuộc chiến chống Taliban vẫn đang lâm vào bế tắc gần 20 năm sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan, dự báo một tương lai bất ổn đối với quốc gia Nam Á này.
Chỉ riêng tại Kabul, trung tâm đầu não của đất nước, trong 2 tuần qua đã chứng kiến 3 vụ tấn công khủng bố liên tiếp, trong đó có vụ tấn công được xem là nghiêm trọng nhất nhằm vào thủ đô trong 17 năm qua làm hơn 150 người chết và 300 người khác bị thương.
Trong bối cảnh bầu không khí an ninh ngày càng xuống cấp, người dân phải tìm mọi phương cách để sinh tồn và tự bảo vệ trước các cuộc tấn công của Taliban tại nhiều khu vực trên khắp cả nước.
Không chỉ mối đe dọa từ Taliban, kể từ năm 2015, Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng đã ghi tên mình vào danh sách các nhóm nổi dậy hoạt động mạnh tại Afghanistan, cùng với sự gia tăng hoạt động của các nhóm thánh chiến cực đoan và mối nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố. Tất cả những điều này đã nói lên sự bất lực không những của chính quyền Afghanistan, mà còn của cả các nước phương Tây, mà dẫn đầu là Mỹ.
Tính đến thời điểm hiện nay, Mỹ đã duy trì sự hiện diện quân sự tại Afghanistan được 16 năm và giai đoạn đỉnh điểm là năm 2011 với 100 nghìn quân.
Cựu Tổng thống Barack Obama từng có kế hoạch rút hoàn toàn lực lượng Mỹ tại Afghanistan nhưng sau đó kế hoạch này đã bị thay đổi và quân đội Mỹ vẫn tiếp tục có mặt tại quốc gia Nam Á đầy bất ổn này./.
Thế giới thức tỉnh về Afghanistan sau vụ đánh bom Kabul?