Ngày 9/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng thông báo trong Sổ đăng ký Liên bang về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 3 công ty của Nga theo luật không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt. Bước đi này được Nga coi là cản trở sự ổn định quan hệ giữa hai nước.
Doanh nghiệp Nghiên cứu và Sản xuất Pulsar, Công ty Green Light Moscow và các công ty Asia-Invest của Nga đã rơi vào lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ, vì theo Washington, họ vi phạm luật pháp quốc gia của nước này về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt liên quan đến Iran, Triều Tiên và Syria. Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng thông báo tương ứng trong tuyển tập các tài liệu chính thức của chính phủ Mỹ, được gọi là Sổ đăng ký Liên bang. Theo văn bản này, quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế có hiệu lực từ ngày 29/7.
Danh sách đen còn có lực lượng dân quân Asaib Ahl al-Haqq, một phần của lực lượng người Shiite ủng hộ chính phủ ở Iraq, nhóm Kataib Hezbollah thân Iran, phong trào Shiite ở Lebanon Hezbollah và hai công ty thương mại từ Syria. Các hạn chế có hiệu lực trong hai năm, nhưng có thể được giảm bớt hoặc chấm dứt theo quyết định của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.
Chính xác thì các tuyên bố chống lại ba tổ chức của Nga là gì, chính quyền Mỹ không nêu rõ. Đây là những nỗ lực của Mỹ nhằm áp dụng luật trong nước của mình ngoài lãnh thổ, điều mà Nga đã nhiều lần bác bỏ. Các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ cấm bất kỳ bộ và ban ngành nào của Mỹ mua các sản phẩm và dịch vụ của tổ chức nằm trong danh sách đen, việc Washington bán vũ khí và thiết bị quân sự, cấp giấy phép của Mỹ để tổ chức này mua hàng hóa theo chế độ kiểm soát xuất khẩu và cung cấp hỗ trợ cho họ.
Trong tuyên bố đăng trên Facebook của Đại sứ quán Nga tại Mỹ, Đại sứ Anatoly Antonov cho rằng, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty Nga cản trở nỗ lực ổn định quan hệ giữa hai nước, đồng thời làm trì hoãn khả năng tương tác mang tính xây dựng giữa Moscow và Washington. Theo ông, “chính quyền Mỹ tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình một cách giả tạo, đang đi theo con đường đưa ra những hạn chế đơn phương bỏ qua luật pháp quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”. Nga coi cách tiếp cận này là không thể chấp nhận được và về cơ bản là trái với "tinh thần Geneva".
Trước đó, hồi giữa tháng 6 vừa qua, tại Geneva-Thụy sỹ đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ J.Biden. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm ổn định chiến lược và cải thiện quan hệ giữa hai nước./.