Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 19/6 khẳng định Mỹ sẽ không đưa quân trở lại Iraq. Ông cũng sẽ cử Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Trung Đông để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao cho vấn đề Iraq. Trong bối cảnh đó, bạo lực tiếp diễn ác liệt trên khắp đất nước Iraq cũng khiến châu Âu lo ngại trước nguy cơ bị nhóm Hồi giáo cực đoan tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant tấn công.
Tổng thống Obama nói: “Như tôi đã nói, tổ chức Hồi giáo cực đoan tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant là mối đe dọa với người dân Iraq, với cả khu vực và những lợi ích của Mỹ. Chúng tôi đã chuẩn bị để thành lập những trung tâm hành động tại thủ đô Baghdad và tại miền Bắc của Iraq để chia sẻ thông tin tình báo và lên kế hoạch đối phó với những mối đe dọa từ lực lượng cực đoan. Thông qua nguồn quỹ phối hợp chống khủng bố, chúng tôi đang làm việc với Quốc hội để cung cấp thêm trang thiết bị hỗ trợ lực lượng Iraq. Quân đội Mỹ sẽ không trở lại Iraq, nhưng chúng tôi sẽ giúp lực lượng Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Tổng thống Obama cũng cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ công du châu Âu và Trung Đông để tìm kiếm những nỗ lực ngoại giao, kể cả việc thúc đẩy một chính phủ đoàn kết tại Iraq nhằm giải quyết thách thức an ninh tại quốc gia này.
Cùng với những cam kết hỗ trợ, Tổng thống Obama và giới chức Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Iraq Maliki, cho rằng ông Maliki đã không thể hàn gắn những chia rẽ giáo phái sâu sắc tại Iraq. Thậm chí có những nhà lập pháp cấp cao của Mỹ còn cho rằng ông Maliki nên từ chức để tìm kiếm một nhà lãnh đạo hiệu quả hơn cho Iraq.
Theo Tổng thống Obama, diễn biến bạo lực lúc này là phép thử cho Thủ tướng Maliki và các nhà lãnh đạo Iraq để tìm kiếm sự cân bằng và hành động quyết đoán nhằm xoa dịu chia rẽ và giải quyết thách thức an ninh. Không chỉ Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã lên án các hành động cực đoan tại Iraq. Cùng ngày hôm qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi chính quyền Baghdad khẩn trương tìm kiếm một giải pháp chính trị bền vững với sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc cho tình hình hiện nay.
Ông Hollande thúc giúc tất các các thành phần xã hội Iraq tham gia đối thoại và nhanh chóng thúc đẩy chính phủ đoàn kết, đồng thời khẳng định Pháp sẽ luôn hỗ trợ người dân Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố.
Chiến sự bùng phát tại Iraq từ tuần trước sau khi lực lượng Hồi giáo dòng Sunni tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant tấn công và chiếm 2 thành phố lớn ở miền Bắc nước này. Trong diễn biến mới nhất, quân đội Iraq đang tăng cường các chiến dịch đẩy lùi nhóm Hồi giáo cực đoan trên khắp đất nước. Hiện lực lượng cực đoan đang mở rộng ảnh hưởng của mình tại thành phố Mosul, thành phố lớn thứ 2 và nằm ở miền Nam Iraq, bị lực lượng này chiếm giữ tuần trước. Trong khi đó, quân đội Iraq đã giành lại quyền kiểm soát một số khu vực ở thành phố miền Bắc Tal Afar, bị rơi vào tay nhóm cực đoan hồi đầu tuần này. Quân đội Iraq cũng đang đẩy mạnh các cuộc không kích ở những khu vực phía Tây nhằm ngăn chặn các tay súng cực đoan tiến gần hơn tới thủ đô Baghdad.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhóm cực đoan và khủng bố, đặc biệt là việc chiêu mộ lực lượng nước ngoài để tấn công các mục tiêu ở Mỹ và châu Âu đang là mối lo ngại lớn với các nhà lãnh đạo những nước này. Thực tế cho thấy, Mỹ ngày 18/6 vừa bắt giữ 2 nghi can khủng bố tại Texas, trong khi tại Pháp, hàng trăm thanh niên đã được chiêu mộ để tham gia vào các nhóm nổi dậy tại tại Syria hay Iraq.
>> Xem thêm: Nguồn gốc khủng bố ở Iraq
Điều phối viên về chống khủng bố của Liên minh châu Âu Gilles de Kerchove hôm qua cảnh báo rằng các nhóm Hồi giáo cực đoan có thể huấn luyện binh sĩ tại nước ngoài để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trực tiếp tại châu Âu hay bất cứ đâu.
“Tôi rất lo ngại khi những cảnh báo của tôi là có thể xảy ra,” ông Kerchove nói. “Tôi cho rằng, các nhóm cực đoan như Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant tại Iraq có thể đang chuẩn bị và huấn luyện lực lượng ở nước ngoài để tấn công châu Âu và những khu vực khác”.
Chín nước châu Âu, trong đó có Pháp, đầu tháng này đã ký kết những kế hoạch tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và xóa sổ những website cực đoan, nhằm ngăn chặn tuyển mộ lực lượng tại các nước châu Âu và khả năng những người này sẽ mang theo bạo lực khi trở về quê nhà./.