Cứ 10h sáng các ngày trong tuần, hàng triệu học sinh từ cấp tiểu học tới trung học phổ thông trên toàn Indonesia, có thể tiếp cận với các chương trình dạy học từ tất cả các trạm phát thanh của kênh Pro 2, kênh phát thanh “Trung tâm sáng tạo của giới trẻ”, Đài phát thanh Quốc gia Indonesia.
Trong vòng 1 giờ đồng hồ, phát thanh viên và giáo viên là hai người tương tác trực tiếp, truyền tải nội dung học tới người nghe theo giáo trình đã soạn sẵn. Đôi khi, có một số học sinh được mời tới phòng thu để tăng tính tương tác cho thính giả nghe đài.
Chương trình “Học tại nhà cùng đài RRI” ra đời nhằm hưởng ứng yêu cầu của chính phủ Indonesia về tăng cường giáo dục Covid-19 cho cộng đồng trên các phương tiện truyền thông, đồng thời hỗ trợ việc thực hiện chính sách dạy và học tập tại nhà trong mùa dịch.
Ông M. Rohanudin, Tổng giám đốc Đài phát thanh Quốc gia Indonesia cho biết: “Chương trình Học cùng RRI ra đời trong bối cảnh đại dịch toàn cầu bùng phát tại Indonesia và nằm trong chuỗi chương trình phát thanh đặc biệt về phòng chống Covid-19 của đài RRI.
Sự tham gia của các giáo viên trên làn sóng tạo sự thú vị cho học sinh, giúp tăng cường trí tưởng tượng của người học hơn so với các phương tiện truyền thông khác. Kể từ khi chương trình lên sóng vào ngày 26/3 tới nay đã có 715 trường học ở cấp 1, 2, 3 đã hợp tác với đài RRI, để thực hiện chương trình này, cả trên sóng phát thanh”.
Chương trình học được xây dựng dưới dạng tương tác thông thường. Giáo viên được mời tới phòng thu hoặc có thể gọi điện thoại, tương tác với phát thanh viên ở trường quay để thảo luận về một chủ đề do Trung tâm giáo dục Phổ thông hoặc Trường học đặt ra.
Người nghe, học sinh có thể gọi điện qua số hotline, nhắn tin điện thoại hoặc nhắn trên các phương tiện truyền thông xã hội để đặt câu hỏi cho giáo viên. Nội dung học được xây dựng thú vị, không cứng nhắc và được xen kẽ các bài hát để tạo sự hấp dẫn.
Việc học qua làn sóng phát thanh được cho là đem lại sự hiệu quả và tiện lợi hơn so với cách học online. Bởi lẽ, Indonesia là quốc gia vạn đảo, do vậy ở nhiều nơi mạng internet rất hạn chế, thậm chí, nhiều nơi không có internet. Trong khi đó, mạng lưới đài Phát thanh quốc gia Indonesia đã phổ cập tới tất cả các vùng sâu vùng xa của đất nước.
Cô Rita, giáo viên trường tiểu học Sanggau, tỉnh Tây Kalimantan chia sẻ: “Từ thứ 2 đến thứ 6, giáo viên chúng tôi thay phiên nhau lên sóng để cung cấp tài liệu, kiến thức cho học sinh.
Thật vui vì các em học sinh đều có thể tiếp cận bài giảng mà nhà trường cũng như phụ huynh không cần bỏ tiền mua các gói dữ liệu internet. Các em chỉ cần mở đài hoặc tivi có tiếp sóng đài là có thể theo dõi được chương trình học”.
Trong tổng số 105 trạm phát sóng địa phương (hay còn gọi là đài địa phương) của RRI, có 65 đài địa phương có kênh Trung tâm Sáng tạo giới trẻ (Pro 2). Các đài địa phương này được giao xây dựng chương trình học luân phiên phù hợp với tình hình địa bàn, thời gian và yêu cầu của Trung tâm giáo dục Phổ thông hoặc các Trường học trên địa bàn đã đăng ký. Ngoài việc nghe đài, các bạn học sinh, sinh viên cũng có thể xem trực tiếp hoặc xem lại buổi học qua ứng dụng RRI Play Go, kênh youtube, live facebook hoặc trên streaming RRI Net.
Chương trình học cùng RRI được coi là một bước đột phá vì đã tác động tích cực đến quá trình học tại nhà, tăng cường kết nối giữa giáo viên và học sinh trong thời kì đại dịch và hỗ trợ chính phủ trong việc thực hiện giáo dục tại nhà, ngăn chặn chuỗi lây lan của đại dịch toàn cầu. Dự kiến, chương trình Học cùng đài Phát thanh quốc gia Indonesia sẽ kéo dài tới hết tháng 7 năm 2020./.