Tuyên bố đưa ra sau khi phái đoàn chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi hôm 29/7 vừa qua cho biết, họ đã lên kế hoạch rút khỏi cuộc đàm phán.

Động thái này là nhằm phản đối tuyên bố của phiến quân Houthi và các đồng ming là Đại hội Nhân dân toàn quốc (GPC) của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh rằng sẽ lập một Hội đồng chính trị để đơn phương điều hành đất nước. 

yemen_ltaw.jpg
Các tay súng ủng hộ chính phủ ở Yemen. (ảnh: Reuters).

Đặc phái viên Cheikh Ahmed cho rằng, động thái này có thể vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó kêu gọi phiến quân Houthi “kiềm chế, không đưa ra những hành động đơn phương có thể cản trở tiến trình chuyển giao chính trị tại Yemen”.

Trên trang mạng xã hội Twitter chính thức của mình, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc cho biết, ông đã gặp cả 2 phái đoàn và đề nghị kéo dài đàm phán một tuần. Ông bày tỏ hy vọng, các phái đoàn có thể tận dụng tối đa cơ hội trong những tuần còn lại để đạt được tiến bộ trên con đường tiến đến hòa bình.

Tiến trình đàm phán tại Kuwait nhằm chấm dứt 16 tháng xung đột giữa chính phủ Yemen và phiến quân Houthi diễn ra khá chậm chạp. Một lệnh ngừng bắn được ban hành vào tháng 4 vừa qua đã góp phần giảng đáng kể giao tranh nhưng bạo lực vẫn diễn ra hàng ngày ở Yemen.

Ngày 30/7, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã không kích vào vị trí của phiến quân Houthi làm ít nhất 10 tay súng thiệt mạng. Đây là một trong những cuộc giao tranh thương vong nặng nề nhất kể từ khi hòa đàm bắt đầu.

Xung đột tại Yemen đến nay đã làm hơn 6.400 người thiệt mạng, trong đó có một nửa là dân thường, và hơn 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa./.