Thực trạng Covid-19 ở Ấn Độ

Ấn Độ hiện vẫn đang là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tới sáng 3/12 là khoảng hơn 9,5 triệu, số người tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ đã xấp xỉ 138.000 người.

Có thể nói, dịch Covid-19 tại Ấn Độ đã lập đỉnh đầu tiên vào tháng 9 với kỷ lục khi đó là gần 100.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong 1 ngày. So với thời điểm đó, dịch bệnh ở Ấn Độ đã giảm khoảng một nửa, nhưng số ca nhiễm vẫn đang ở khoảng 45.000- 50.000 ca mỗi ngày. Như vậy là tình hình đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ vẫn chưa thể kiểm soát được.

Các nguy cơ bùng nổ trở lại vẫn rất cao khi mà chính phủ đã cho phép mở lại hầu hết các hoạt động kinh tế. Và về lâu dài thì cũng rất khó để duy trì trạng thái đóng cửa, phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh như trước. Sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân Ấn Độ đã tới giới hạn. Đó chính là lý do để các chuyên gia y tế đưa ra cảnh báo các đợt lây nhiễm mới tại nhiều địa phương tại Ấn Độ sẽ đến sớm, dựa vào các yếu tố khác như mùa đông lạnh đã đến, tình trạng ô nhiễm không khí và việc người dân lơ là tuân thủ các biện pháp phòng ngừa Covid-19.

Cũng đã có những bằng chứng khoa học về việc virus SARS-CoV-2 đã và đang lây truyền âm thầm trong cộng đồng dân cư tại Ấn Độ. Trong tháng 8 và 9, Ấn Độ đã tiến hành 2 cuộc khảo sát huyết thanh trên diện rộng và tại một số bang. Kết quả là người ta dự báo tới tháng 2/2021, khoảng 1/2 dân số Ấn Độ, tương đương từ 600- 700 triệu người sẽ có kháng thể với loại virus này. Điều này có nghĩa họ đã từng tiếp xúc với virus nhưng không có triệu chứng. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ tạo áp lực rất lớn với chính quyền và hệ thống y tế Ấn Độ. Ngay cả trong trường hợp đã có vaccine, rất khó có thể an tâm bởi việc chủng ngừa cho gần 1,4 tỷ người tại Ấn Độ là một điều không dễ dàng trong 1 thời gian ngắn.

Biện pháp đối phó của Ấn Độ

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Chiến dịch phòng chống dịch bệnh tại quốc gia Nam Á này kể từ cuối tháng 3 được coi là đợt phong tỏa lớn và khắc nghiệt nhất thế giới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, dịch bệnh chỉ được kiềm chế phần nào, trong thời gian đầu. Số ca bệnh Covid-19 tại nước này liên tục tăng, đặc biệt sau khi nới lỏng, dỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, dù tình hình dịch sẽ diễn biến xấu ra sao, Ấn Độ chắc chắn sẽ không trở lại với mô hình chống dịch có phần cực đoan như trước nữa.

Chính quyền Trung ương và các bang tại nước này nhiều lần nhắc lại quan điểm sẽ áp dụng các biện pháp phong tỏa cục bộ tại các điểm dịch, tập trung đẩy mạnh cách ly, khoanh vùng. Hiện tại năng lực xét nghiệm Covid-19 của Ấn Độ theo phương pháp RT-PCR ở vào khoảng 1,1 triệu xét nghiệm/ngày. Bước đi tiếp theo của Ấn Độ là củng cố hệ thống y tế trước các cú sốc có thể xảy ra trong tương lai. Bài học điển hình là tại thủ đô New Delhi những tuần đầu tháng 11, số ca bệnh tăng nhanh khiến chính quyền đã phải huy động lực lượng quân y cùng nhiều giường bệnh điều trị tích cực của các bệnh viện tư nhân nhằm giải quyết nhu cầu tăng đột biến.

Hy vọng của Ấn Độ hiện tại tập trung vào việc phát triển và đưa ra thị trường các loại vaccine phòng ngừa Covid-19. Ấn Độ đang phát triển 30 loại vaccine dự tuyển, và có 5 loại vaccine nội địa của Ấn Độ cho thấy nhiều tín hiệu tích cực và bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Ấn Độ cũng đã đạt được thỏa thuận với Nga để có thể sản xuất 100 triệu liều vaccine Sputnik-V tại Ấn Độ. Bộ trưởng Y tế nước này Harsh Vardhan cho biết sẽ  phấn đấu tiêm chủng được cho khoảng 300 triệu người vào thời điểm tháng 8 năm 2021. Đây có thể là hy vọng lớn nhất để đối phó và đẩy lùi Covid-19 tại Ấn Độ./.