Sau 37 năm các nghị sĩ Anh mới đi làm việc trong ngày thứ Bảy cuối tuần. Thứ Bảy, 19/10, Hạ viện Anh sẽ chính thức xem xét và sau đó bỏ phiếu bản thoả thuận Brexit mới mà chính phủ Anh và EU vừa đạt được tại Thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussels.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Evening Standard |
Hiện tại, các phép tính đều cho thấy, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang không có đủ đa số ủng hộ cần thiết để có thể đưa bản thoả thuận mới vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Muốn chiến thắng, ông Johnson cần lấy lại được 10 phiếu ủng hộ của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP), 21 phiếu của các nghị sĩ đảng Bảo thủ bị khai trừ tháng trước và thêm một số phiếu nữa từ các nghị sĩ ủng hộ Brexit bên phía các đảng đối lập là Công đảng và đảng Tự do-dân chủ (Lib-Dem).
Tuy nhiên, đó là một nhiệm vụ khó khăn và khả năng lớn hiên nay là vào ngày 19/10, Hạ viện Anh lại một lần nữa bác bỏ một bản thoả thuận Brexit, sau 3 lần đã làm với thoả thuận của bà Theresa May.
Vậy, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Theo luật Benn (Benn Act) được Nghị viện Anh thông qua ngày 4/9/2019, trong trường hợp không có thoả thuận Brexit (một thoả thuận bị bác bỏ cũng coi như không có thoả thuận), Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ phải đề nghị với EU gia hạn Brexit đến ngày 31/01/2020. Tuy nhiên, ông Johnson từng nhiều lần tuyên bố sẽ không làm điều này và sau khi hoàn tất thoả thuận Brexit mới với chính phủ Anh, các quan chức cấp cao EU cũng khẳng định sẽ không có việc gia hạn Brexit thêm lần nào nữa. Nước Anh sẽ phải chọn thoả thuận vừa đạt được hoặc ngày 31/10/2019, Anh sẽ rời EU mà không có thoả thuận nào.
Trong trường hợp ông Boris Johnson chấp nhận xin EU gia hạn Brexit và các nước EU đồng ý, hai bên sẽ phải tiếp tục đàm phán một thoả thuận khác. Tuy nhiên, dựa trên thực tế hiện nay, khi các nước EU đã quá mệt mỏi với Brexit và đang muốn sớm khép lại hồ sơ này càng sớm càng tốt, kịch bản này rất ít khả thi.
Vì thế, nếu Hạ viện Anh bác bỏ thoả thuận Brexit trong ngày mai, 19/10, khả năng lớn nhất là Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ tìm mọi cách để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm. Cản trở lớn với ông Johnson là để một cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra, ông Johnson cần nhận được sự đồng ý của 2/3 số nghị sĩ tại Hạ viện Anh. Yêu cầu này thậm chí còn khó hơn việc đạt được đa số ủng hộ để thoả thuận Brexit mới được thông qua, trừ khi phe Công đảng đối lập đồng ý tuyển cử sớm.
Để tránh khỏi vòng luẩn quẩn không lối thoát đó, cách tốt nhất là ông Boris Johnson vận động tối đa để thoả thuận Brexit được thông qua ngay trong ngày 19/10. Đây là một nhiệm vụ gian nan nhưng không phải bất khả thi.
Trong sáng 18/10, Chủ tịch đảng Dân tộc Scotland (SNP), Nicola Sturgeon tỏ ý hoài nghi phe Công đảng sẽ âm thầm bật đèn xanh cho một số nghị sĩ theo đường lối Brexit cứng rắn của đảng này ủng hộ ông Boris Johnson.
Andrew Bridgen, nghị sĩ đảng Bảo thủ và là một trong các lãnh đạo của Nhóm nghiên cứu châu Âu (ERG), nhóm quy tụ các nghị sĩ bảo thủ nhất của đảng Bảo thủ, nhận định, đa số thành viên nhóm này sẽ ủng hộ thoả thuận Brexit mới, bất chấp đồng minh thân cận là DUP phản đối. Lí do là nhóm này muốn tránh một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit.
Mọi chuyện đều có thể xoay chuyển rất nhanh. Bà Theresa May đã phải mất 17 tháng đàm phán để đạt được một thoả thuận Brexit với EU nhưng ông Boris Johnson chỉ mất có 6 ngày đàm phán thực sự.
Trong bối cảnh mọi bên đều đang muốn thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt của Brexit càng sớm càng tốt, bài toán khó của ông Boris Johnson có lẽ sẽ vẫn có lời giải./.