Theo truyền thông địa phương, ít nhất 3 quả rocket của Taliban gây hư hại đường băng sân bay Kandahar trong một vụ tấn công xảy ra ngày 2/8, khiến toàn bộ các chuyến bay khởi hành từ sân bay này đều phải hủy bỏ.
Theo các nhân chứng, Kandahar rất đông dân cư và Taliban đã len lỏi vào một số khu vực của thành phố, nên quân đội chính phủ không thể sử dụng vũ khí hạng nặng để tấn công. Giao tranh giữa quân đội chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại Kandahar khiến hàng chục nghìn người phải di tản.
“Đã có giao tranh. Bom đã được thả xuống. Cha tôi và nhiều người thân của tôi đã bị chết và chúng tôi phải chạy trốn. Tôi phải có trách nhiệm với các con của mình và tôi không muốn chúng bị chết. Vì vậy, tôi đã đưa các con tôi và mẹ già chạy trốn”, Maryam, một người dân tại Kandahar phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn cho biết.
Các cuộc giao tranh tại Kandahar cũng đã gây quan ngại cho Liên Hợp Quốc. Trong phản ứng mới nhất, bà Eri Kaneko, Phó Phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Gutteres nói: “Phái bộ Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang tại Kandahar trong bối cảnh Taliban đang tấn công thành phố. Phái bộ Liên Hợp Quốc nói rằng, có những báo cáo đáng tin cậy về số lượng thường dân thiệt mạng và họ đang làm việc để có những thống kê về thương vong dân thường”
Trong khi đó, tại hai thành phố khác là Herat và Lashkar Ga, cuộc giao tranh giữa hai bên vẫn đang ở thế giằng co. Chính quyền thành phố Lashkar Ga đã kêu gọi chính quyền trung ương gửi thêm quân chi viện để đối phó với các đợt tiến quân của Taliban.
Những cuộc giao tranh cho thấy một thực trạng rằng, quân đội của chính phủ Afghanistan đang phải vật lộn với sự trỗi dậy của Taliban sau khi các lực lượng quân sự nước ngoài do Mỹ dẫn đầu rút quân. Taliban được cho là đang đặt trọng tâm vào việc chiếm giữ các thủ phủ quan trọng ở miền Nam Afghanistan. Lực lượng này trông đợi rằng sau khi nắm được Kandahar và Lashkar Ga sẽ theo đà chiến thắng để nhanh chóng tiến quân vào năm tỉnh lân cận. Việc Taliban có khả năng chiếm giữ các đô thị trọng yếu làm dấy lên mối lo ngại rằng chính quyền Afghanistan không đủ khả năng chống đỡ trước lực lượng phiến quân này.
Kể từ thời điểm đầu tháng 5, khi Mỹ và các đồng minh trong NATO bắt đầu quá trình rút quân, tình hình an ninh tại Afghanistan lập tức rối ren. Taliban gia tăng các hoạt động tấn công nhằm lấn chiếm lãnh thổ trên quy mô lớn. Theo Tờ Người bảo vệ của Anh, tới cuối tháng 7, Taliban đã kiểm soát 124 quận, trong khi 186 quận khác đang là nơi tranh chấp với quân Chính phủ. Đáng chú ý, 2/3 trong tổng số 1.357 km biên giới giới giữa Tajikistan và Afghanistan đã có sự xuất hiện của lực lượng Taliban.
Afghanistan có vị trí địa lý mang tính chiến lược là cầu nối giữa khu vực Nam Á với các quốc gia Trung Á, giữa Đông và Tây Á. Chính bởi vậy, một khi đất nước Afghanistan trở lại với vòng nội chiến và bạo lực thì cũng lan truyền bất ổn tới khu vực./.