Các cuộc đối thoại giữa chính phủ Hy Lạp với nhóm "bộ ba" chủ nợ (gồm Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu),  ngày 13/3,  kết thúc nhưng không đạt được bất cứ thoả thuận nào.

euro.jpg
Ảnh minh họa

Trong khi đó, quá trình cải cách ở Pháp vẫn đang trì trệ, kết quả bầu cử ở Italy đang gây lo ngại. Những mảng tối này cho thấy cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn chưa qua đi, bất chấp những dấu hiệu khả quan trên thị trường tài chính trong thời gian gần đây.

Kết thúc 9 ngày họp, chính phủ Hy Lạp và nhóm bộ 3 vẫn không đạt được thoả thuận để nước này có thể tiếp tục nhận khoản giải ngântiếp theo trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 110 tỷ euro dành cho nước này.

Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras cho biết, hai bên đã gần  thống nhất về chương trình cải cách, tuy nhiên còn bất đồng  về một số vấn đề.

Nhóm Troika (gồm Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu) sẽ quay trở lại Hy Lạp tiếp tục đàm phán trong vài tuần tới.

Cùng với những trì hoãn trong các cuộc đàm phán của Chính phủ và nhóm bộ 3 quốc tế, hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối  chính sách thắt lưng buộc bụng tại Hy Lạp đang diễn ra khiến tình hình càng thêm khó khăn.

Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại Adedy Lias Iliopoulos tại Hy Lạp cho biết, họ sẽ tiếp tục phản đối nếu chính phủ áp đặt các điều kiện thắt lưng buộc bụng để nhận được các khoản cứu trợ của quốc tế: “Nhóm bộ ba chủ nợ quốc tế đã thừa nhận rằng các chính sách họ áp đặt lên chúng tôi là sai lầm. kết quả là tỉ lệ thất nghiệp cao, suy thoái sâu và những vấn đề kinh tế, nghèo đói mà không có bất cứ triển vọng thay đổi hay phát triển nào. Họ hãy để người dân Hy Lạp tự giải quyết những khó khăn của mình”.

Trong khi đó, quá trình cải cách ở nhiều nước châu Âu vượt qua những khó khăn tài chính vẫn chưa có một hướng đi rõ ràng.  Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu, ngày 14/3, có cuộc họp khẩn cấp nhằm thảo luận về gói cứu trợ giúp cứu nền kinh tế Cộng hoà Cyprus đang gặp nhiều khó khăn.

Những cải cách tại Pháp cũng chưa đạt được kết quả cụ thể. Kết quả bầu cử Italy vừa qua cũng khiến nước này trở thành tâm điểm lo ngại của cuộc khủng hoảng. Bế tắc chính trị tại Italy đã góp phần đẩy chi phí vay mượn tăng lên ở các quốc gia Eurozone khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, đẩy các nước này gần hơn đến việc lại phải xin cứu trợ, nhất là đối với Tây Ban Nha, khi nước này mới nhận được gói cứu trợ lĩnh vực ngân hàng. 

Những mảng tối trên thị trường kinh tế châu Âu báo hiệu sự phục hồi chưa chắc chắn của thị trường tài chính khu vực.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank Jens Weidmann nhận định rằng, những điều chỉnh cần thiết ở các nước đang lâm vào khủng hoảng vẫn cần tiếp tục thực hiện và sẽ mất thêm nhiều năm nữa để đưa tăng trưởng kinh tế trở lại mức trước khủng hoảng.

Giới chuyên gia nhận định,phải đến năm 2017, eurozone mới có thể phục hồi mức tăng trưởng như trước khủng hoảng. Mặc dù vậy, sự ổn định của thị trường tài chính khu vực trong thời gian gần đây cũng là những dấu hiệu khả quan cho thấy rủi ro về một cuộc khủng hoảng tức thì đã giảm./.