Trở ngại bất ngờ vào phút chót do bất đồng về chức vị của các đối tác trong liên minh cầm quyền mới thành lập ở Israel khiến lễ ký kết để chính thức hóa thỏa thuận này bị trì hoãn thêm ít nhất một ngày. “Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”, vì thế, giới phân tích cho rằng sự khởi đầu trúc trắc này báo hiệu hàng loạt thách thức đối với ông Netanyahu trong việc bảo toàn sự gắn kết của liên minh mới trong nhiệm kỳ 4 năm tới.

benjamin1.jpg
Thủ tướng Netanyahu (Ảnh AFP)
Sau nhiều tuần bế tắc và cuộc thương thảo kéo dài 11 tiếng đồng hồ đến tận tối ngày 14/3, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu đã đạt được thỏa thuận thành lập Liên minh cầm quyền mới với đảng Yesh Atid theo đường lối trung dung, đảng Ngôi nhà Do Thái cực hữu cùng đảng Hatnuah cũng theo đường lối trung dung.

Tuy nhiên ngay sau đó, đảng Yesh Atid và đảng Ngôi nhà Do Thái cáo buộc ông Netanyahu không giữ lời hứa bổ nhiệm lãnh đạo của các đảng này vào vị trí phó Thủ tướng.

Đảng Likud không đưa ra bất cứ bình luận nào về cáo buộc này, song bản thân Thủ tướng Netanyahu phải thừa nhận rằng 4 năm sắp tới sẽ là nhiệm kỳ thách thức nhất trong lịch sử nhà nước Israel. “Chúng tôi vẫn đang bận rộn với việc hoàn thành những chi tiết cuối cùng của thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền mới để có thể ra mắt chính phủ vào đầu tuần sau. Việc bổ nhiệm những vị trí mới lần này là một trong những thách thức lớn nhất trong lịch sử Israel nên tôi không thể khinh suất. Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức cả về quốc phòng và ngoại giao và tôi không hề thổi phồng sự việc”.

Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, liên minh cầm quyền ở Israel không có các đảng Do Thái chính thống (ultra-Orthodox). Thay vào đó là những “ngôi sao đang lên” trên chính trường Israel với chủ trương chấm dứt hệ thống miễn thuế và trợ cấp phúc lợi cho hàng chục nghìn sinh viên trường dòng Do Thái.

Các nhà phân tích dự đoán, liên minh mới có thể sẽ đồng thuận trong các vấn đề nội bộ, đặc biệt là cắt giảm trợ cấp và phúc lợi xã hội cho cộng đồng Do thái chính thống chiếm thiểu số vì điều này sẽ giúp chính phủ đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách trong bối cảnh khó khăn kinh tế hiện nay.

Tuy nhiên, liên minh cầm quyền tương lai lại có những bất đồng lớn trong chính sách đối ngoại, cụ thể là về hòa bình Trung Đông.

Đảng cực hữu Ngôi nhà Do Thái của ông Naftali Bennett kịch liệt phản đối việc công nhận nhà nước Palestine. Trong khi đó, đảng Hatnuah cho rằng, thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước với Palestine nên được coi là ưu tiên cơ bản của chính sách đối ngoại Israel vì điều này đem lại lợi ích cho nhân dân Do Thái, đồng thời là cách duy nhất có thể bảo đảm sự tồn tại của một nhà nước Do Thái dân chủ.

Nhà phân tích chính trị Israel, Amotz Asa-el cho rằng bất đồng về chính sách ngoại giao này là nguy cơ bất ổn tiềm tàng đối với chính phủ tương lai của Thủ tướng Netanyahu. Ông nói: “Tình hình chính trị ở Israel đang rất không ổn định. Dù ai lãnh đạo lúc này thì họ cũng không có sự lựa chọn nào khác là đứng nhìn một cách thụ động. Tất nhiên, nếu trong trường hơn đột nhiên các nước Arab đưa ra sáng kiến nào đó và đưa ra một đề xuất hòa bình đáng mà đại bộ phận công chúng Israel cho là đáng tin cậy, thì chính phủ vẫn bất hòa trong vấn đề này, mà chủ yếu là vì quan điểm của các cánh hữu. Cũng có khả năng cánh hữu bị dồn đến đường cùng và có thể rời bỏ liên minh cầm quyền và đảng Lao động sẽ thế chân họ. Tuy nhiên, lúc này chúng ta không thấy khả năng điều đó thật sự xảy ra”.

Giới quan sát cho rằng bất đồng hiện nay chưa đủ khiến thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền bị phá vỡ. Dự kiến thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền sẽ sớm được ký kết để mở đường cho chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức vào ngày 18 tháng 3 tới, chỉ 2 ngày trước chuyến thăm Israel của Tổng thống Mỹ Barack Obama./.