Hôm 20/10, các tàu hải quân của Israel đã ngăn chặn một tàu chở hàng cứu trợ nhân đạo mang quốc tịch Phần Lan ở khu vực ngoài khơi cách bờ biển dải Gaza của Palestine hơn 70km.

Ông Mustafa al-Barghouti, một quan chức của Palestine cho biết chính quyền Palestine đã liên lạc với thủy thủ đoàn và được biết, tàu đã bị lực lượng hải quân của Israel bao vây, đe dọa sẽ bắt giữ nếu họ tiếp tục hành trình đến dải Gaza. Ông Barghouti cũng cho biết, trên tàu có nhiều nhà hoạt động nhân đạo của nhiều nước châu Âu và Canada. Mục đích của họ là vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo cho những người Palestine đang phải sống trong điều kiện khó khăn tại dải Gaza.

 

tau%20estelle.jpg
Tàu MV Estelle trước lúc khởi hành (ảnh: AFP)

Con tàu MV Estelle, mang cờ Phần Lan, khởi hành từ Thụy Điển, với khoảng 30 nhà hoạt động của 8 quốc gia. Quân đội Israel cho biết không hề có bạo lực xảy ra các tàu của Hải quân nước này tiếp cận tàu MV Estelle và áp tải tới cảng Ashdod ở miền Nam Israel.

Bà Victoria Strand, người phát ngôn của chiến dịch "Tàu tới Gaza", có trụ sở tại Thụy Điển, cho biết bà đã nhận được tin nhắn điện thoại thông báo tàu Estelle bị tấn công sau khi bị một số tàu quân sự đuổi theo. Bà Victoria Strand nhấn mạnh, mục đích của các nhà hoạt động ủng hộ Palestine là đưa được hàng viện trợ tới người dân dải Gaza.

Bà Strand nói: “Ngăn cản các tàu vận chuyển nhân đạo của các nhà hoạt động xã hội quốc tế tới Gaza là một phần trong kế hoạch của Chính quyền Israel nhằm cô lập phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, đang nắm quyền ở Gaza, đồng thời gây sức ép đối với chính quyền của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông đang gặp bế tắc.”

Bà nói tiếp: “Tôi hy vọng rằng tàu MV Estelle có thể tới được Gaza với những hàng viện trợ mà chúng tôi đã chuẩn bị cho người dân nơi đây. Tôi cũng mong rằng, thế giới thấy được hành động bắt giữ tàu chở các nhà hoạt động xã hội của Israel là không công bằng và phản tác dụng”.

Hành động này của Israel đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sau sự kiện lực lượng quân đội Israel đã tấn công một tàu cứu trợ nhân đạo mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010, và giết chết 9 nhà hoạt động quốc tế. Sau sự kiện này, Israel đã phải nhượng bộ trong việc nới lỏng một phần biên giới trên bộ, song vẫn cứng rắn đối với các hoạt động vận chuyển cứu trợ trên biển./.