Bão Irma đã mạnh lên cấp 5 (cấp mạnh nhất trong thang cảnh báo bão của Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ NHC), khi đổ vào Cuba và gây ra tình trạng lở đất tại miền Trung nước này. Các vùng duyên hải phía Bắc Trung bộ của Cuba chịu tác động mạnh.
Truyền hình địa phương liên tục đưa tin về mức độ thiệt hại, gió giật mạnh và mưa lớn tại các khu vực bão quét qua. Tính tới 10h sáng 9/9, theo giờ Hà Nội, bão Irma với sức gió lên tới 260km/giờ đã tràn tới khu vực Camaguey của Cuba và gây ra tình trạng lở đất. Bão được dự báo sẽ tạo nên những cột sóng cao tới 3m khi quét qua vùng duyên hải phía Bắc và Trung Cuba và phía Tây Bắc quần đảo Bahamas.
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, mức độ thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng lên nhanh chóng khi bão di chuyển dọc duyên hải phía Bắc Cuba theo hướng Tây về các tỉnh Sancti Spiritus và Villa Clara trước khi chuyển hướng lên phía Bắc tiến vào bang Florida của Mỹ vào sáng 10/9.
Ở cấp độ mạnh nhất, mỗi giờ bão Irma di chuyển được khoảng 20 km và đang tiến ngày càng gần tới bang Florida. Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ cho biết, hiện tâm bão cách biển Miami khoảng 485 km về phía Đông Nam.
Đây là một trong 3 cơn bão cấp 5 đổ bộ vào Mỹ kể từ năm 1851 và mạnh hơn rất nhiều so với cơn bão cấp 5 Andrew ở Mỹ năm 1992. Hàng triệu người dân Florida được yêu cầu sơ tán trong khi các lực lượng quân sự và an ninh đã sẵn sàng cho công tác ứng cứu và hỗ trợ.
“Mục đích của chúng tôi là liên tục cập nhật thông tin diễn biến cơn bão để mọi người biết trước khi nào không nên ra đường”, Thống đốc bang Florida Rick Scott cho biết.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn bất cứ ai vẫn còn đang đi trên đường khi cơn bão đổ bộ vào đây. Vì thế chúng tôi thông báo với người dân, đặc biệt là những người ở khu vực phía Nam của bang, không nên ra đường, đặc biệt lúc nửa đêm. Chúng tôi có các khu vực trú ẩn công cộng, do đó nếu chưa kịp về nhà, các bạn hãy nhanh chóng tới đó”.
Trong khi đó, Ủy ban Quản lý hạt nhân Mỹ đã phải cử thêm các chuyên gia tới đánh giá tình hình tại hai lò phản ứng hạt nhân Turkey Point và St. Lucie ở Florida để chuẩn bị cho những tác động mà Irma có thể gây ra đối với khu vực này. Các lò phản ứng hạt nhân này đều được đặt tại các vị trí cao hơn 6m so với mực nước biển. Công tác chuẩn bị cho tới nay được đánh giá là đã hoàn tất. Các chuyên gia và nhân viên phản ứng khẩn cấp sẽ ở lại khu vực này cho tới khi không còn nguy cơ nào đe dọa sự an toàn của các lò phản ứng.
Cùng với Irma, hai cơn bão khác cũng hình thành ở Đại Tây Dương là Katia và Jose khiến nhiều người lo ngại.
Bão Katia đã đổ bộ về bang Veracruz của Mexico gây ra tình trạng lở đất ở Tecolutla. Với sức gió 120km/giờ, bão Katia được đánh giá là cơn bão cấp 1, cấp nhẹ nhất trong thang bão của Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ và sẽ suy yếu trong ngày tiếp theo.
Trong khi đó, dù vẫn đang ngoài khơi Đại Tây Dương, nhưng bão Jose đã mạnh lên cấp 4. Hiện cơn bão này đang ở vị trí cách 700km về phía Đông - Đông Nam của Quần đảo Leeward với sức gió 240km/giờ và dự đoán sẽ tới khu vực phía Đông Bắc vùng biển Caribbean vào sáng 9/9 theo giờ địa phương./.Cận cảnh “dấu chân” kinh hoàng của bão “quái vật” Irma