Chính quyền của người Kurd ở Iraq vừa mở thêm một trạm chung chuyển cho hàng nghìn người tị nạn Syria tăng đột biến trong những ngày qua. Nhiều người tị nạn cho biết họ trốn chạy khỏi sự tấn công của Mặt trận Al Nusra Front-một nhóm cực đoan người Sunni vừa tách ra khỏi 1 nhánh của mạng lưới khủng bố Al Qaeda ở Iraq đầu năm nay.

Liên Hợp Quốc cho biết, nhờ có cây cầu mới xây bắc qua sông Tigris ở khu vực biên giới mà trong 1 tuần qua, khoảng 30.000 người tị nạn Syria có thể đến được khu vực của người Kurd ở phía Bắc Iraq.

syria1.jpg
Người tị nạn Syria vẫn tiếp tục chạy sang các nước láng giềng (Ảnh:alarabya)

Liên Hợp Quốc cho rằng đây là đợt tị nạn lớn nhất của người Syria trong hơn 2 năm xung đột bùng phát ở quốc gia Trung Đông này. Liên Hợp Quốc đang gấp rút chuẩn bị mở một trại tị nạn tại đây vào cuối tháng.

Trong khi đó, chính quyền ở đây đã phải dựng thêm 700 lều tạm và có kế hoạch cung cấp thêm 200 lều tạm khác để đáp ứng nhu cầu của người tị nạn.

Thị trưởng thành phố Arbil, thủ phủ của khu vực người Kurd ở Iraq, ông Nozad Hadi cho biết: “Số người tị nạn tăng lên từng ngày mà chúng tôi chưa bao giờ chuẩn bị cho một cuộc di dân lớn như thế này đến khu vực của người Kurd ở Iraq. Hàng nghìn người tị nạn đã sang được biên giới trong khi nơi này chỉ chứa được khoảng 13.000 người nên chúng tôi phải mở thêm 2 trại tị nạn nữa ở Qush Tuba và Baherka”.

Tổng thống của người Kurd tại Iraq, ông Massoud Barzani cũng đã tới thị sát khu vực dành cho người tị nạn Syria, hầu hết trong số họ là người Kurd ở nước làng giềng.

Hồi đầu tháng này, ông Badani tuyên bố về khả năng phái quân đội của người Kurd can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Syria. Hãng tin Reuters dẫn lời một cố vấn của ông Badani cho biết, dòng người tị nạn từ Syria đổ sang khu vực người Kurd ở Iraq tăng đột biến có thể khiến ông phải hành động.

Người Kurd ở Iraq là một cộng đồng có qui chế tự trị lớn, có chính phủ và các đơn vị công quyền riêng, chính vì thế, bất chấp chính giới Baghdad giữ lập trường trung lập đối với cuộc nội chiến tại Syria, ông Badani cho rằng cần hành động bằng mọi cách để bảo vệ các đồng bào người Kurd ở nước làng giềng.

Theo Liên Hợp Quốc, gần 2 triệu người Syria đã đăng ký tị nạn ở các nước làng giềng như Ai Cập, Lebanon, Iraq… tạo ra một áp lực lớn cho các nước vốn cũng bất ổn vì xung đột chính trị, tôn giáo hoặc do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng ở chính Syria./.