Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cảnh báo, có thể có thêm nhiều người nhập cư bỏ mạng trên vùng biển Đông Nam Á vì hàng nghìn người tị nạn được cho là đang mắc kẹt ngoài khơi trong điều kiện hết sức khó khăn, song hiện chưa xác định được vị trí của những con thuyền buôn người này.

Vì thế Tổ chức Di trú quốc tế kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn để xác định vị trí những con tàu này và có biện pháp hỗ trợ y tế ngay lập tức.

Tổ chức này ước tính, có khoảng 8.000 người tị nạn lên đênh trong vùng Vịnh Bengal, trong đó chỉ có hơn 1000 người vừa được cứu sống vào được đảo Langkawi của Malaysia, giáp biên giới với Thái Lan hồi cuối tuần qua.

Cũng theo tổ chức này, trong quý đầu năm nay, khoảng 300 người đã chết trên biển vì đói, mất nước hoặc bị thủy thủ đoàn lạm dụng, trong khi những người nhập cư bất hợp pháp khác lên được đất liền vẫn có thể bỏ mạng trong các trại buôn người tàn khốc.

Trong đó, có 2% người nhập cư bất hợp pháp ở tình trạng gần chết đói, khoảng 4% bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và có đến 40% thiếu ăn. Trưởng phái bộ Tổ chức Di trú quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương Jeff Labovitz cho biết: “Càng ở lâu trên biển, người nhập cư càng bị đe dọa đến tính mạng vì không có lương thực, không có nước sạch và họ có thể bị ốm. Chúng tôi rất lo ngại cho họ, vì thế chúng tôi cho rằng cần phải khẩn trương cứu sống họ.”

Đại diện Tổ chức Di trú quốc tế cũng cảnh báo, những kẻ buôn người có thể tìm kiếm những điểm đến khác cho những người nhập cư bất hợp pháp này. Cảnh báo đưa ra trong bối cảnh Thái Lan, vốn là điểm đến hàng đầu của mạng lưới buôn người trong khu vực Đông Nam Á, tăng cường truy quét và trừng trị thẳng tay tội phạm buôn người sau khi phát hiện 33 thi thể được cho là người nhập cư từ Myanmar và Bangladesh tại một khu trại tập trung trong rừng sâu ở miền Nam nước này hồi tuần trước.

Phát biểu sau cuộc họp nội các hàng tuần hôm nay, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thừa nhận, các cơ quan chức năng của Thái Lan chưa giải quyết tốt vấn đề người nhập cư, người tị nạn và nạn buôn người. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, nạn buôn người là một loại tội phạm quốc tế do đó cần các tổ chức quốc tế tham gia và giúp đỡ đàm phán với các nước khởi nguồn làn sóng nhập cư trái phép.

“Chúng ta cần phải đẩy nhanh điều phối với các nước có liên quan để giúp giải quyết nạn buôn người càng sớm càng tốt. Thái Lan và các nước có liên quan cần phải giúp đỡ lẫn nhau trong vấn đề này. Nếu chúng ta vẫn đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân của nạn buôn người thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN và trong cả nội bộ Thái Lan”, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói.

Thời gian gần đây, số lượng người tị nạn từ các vùng nghèo khó của Bangladesh và Myanmar đánh cược sinh mạng trên những con thuyền tồi tàn để vượt biển đến Malaysia và Indonesia tăng lên rõ rệt.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, có khoảng 25.000 người Bangladesh và người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar tìm cách vượt biển trên những con thuyền của bọn buôn người. Con số này nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái./.