Theo Ngoại trưởng Indonesia, khi mà khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với các thách thức về an ninh và hòa bình như tranh chấp biên giới, căng thẳng trên Biển Đông hay nguy cơ khủng bố thì cạnh tranh giữa các cường quốc cũng gia tăng.
Do vậy, việc duy trì và tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ARF là rất quan trọng. Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh, trong hơn 5 thập kỷ qua, việc giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình là những giá trị và chuẩn mực đã dẫn dắt khu vực Đông Nam Á vượt qua những khó khăn và thách thức khác nhau, trở thành "kim chỉ nam cho hợp tác với các nước đối tác trong khu vực".
Về vấn đề Biển Đông, Indonesia truyền đạt mong muốn một khu vực Biển Đông hòa bình và ổn định, nơi các nguyên tắc quốc tế phải được công nhận và tôn trọng, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Đồng thuận với Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 53, Indonesia cho biết, nước này coi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là cơ sở duy nhất để xác định quyền hàng hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của các quốc gia.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi cũng nêu lên mối đe dọa về khủng bố và buôn bán người trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trên thế giới.
Ngoại trưởng Indonesia cũng thông báo với báo chí về kết quả Hội nghị ARF 27, trong đó có một loạt các tuyên bố được thông qua như: Kế hoạch hành động Hà Nội II cho ARF, Tuyên bố về đối xử với trẻ em bị tuyển dụng hoặc có liên quan tới các nhóm khủng bố, Tuyên bố về hợp tác trong lĩnh vực an ninh công nghệ thông tin trong bối cảnh an ninh quốc tế và Danh mục 35 hoạt động hợp tác cho năm giữa kỳ tiếp theo 2021-2022.
Ngoài ra, các bộ trưởng cũng ghi nhận Tài liệu hướng dẫn về quy trình, thủ tục của ARF nhằm giúp chuẩn hóa, hệ thống hóa và nâng cao hiệu quả các hoạt động trong ARF. Kết thúc Hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch ARF-27./.