Quốc hội Hy Lạp sáng sớm 18/7 đã thông qua dự luật cải cách và thắt chặt chi tiêu mới, bao gồm “cuộc đại sa thải” viên chức nhà nước, vốn là bước đi chủ chốt để nước này mở khóa những khoản giải ngân tiếp theo từ các nhà cho vay quốc tế.

Dự thảo luật được thông qua với 153 phiếu ủng hộ trong tổng số 293 ghế tại Quốc hội. Kết quả này là bài sát hạch đầu tiên với chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras, mở đường để Hy Lạp cơ cấu lại việc làm tại các cơ quan nhà nước, hay nói cách khác là nước này sẽ phải sa thải 25.000 công chức trước năm 2014 theo như thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế.

bieu-tinh-hy-lap.jpg
Người Hy Lạp biểu tình phản đối sa thải khu vực công (Ảnh: Reuters)

Kế hoạch cắt giảm này tập trung vào các đối tượng là giáo viên, cảnh sát và công chức địa phương. Bên cạnh đó, Hy Lạp cũng phải thực hiện các yêu cầu khác từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong đó có việc thực hiện cải cách thuế trước khi nhận được khoản giải ngân từng phần trị giá 6,8 tỷ euro vào tháng 7 và trong mùa thu tới.

Sa thải nhân viên trong bối cảnh kinh tế khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ngất ngưởng là điều mà người dân Hy Lạp không thể chấp nhận. Người dân Hy Lạp ngày 17/7 tập trung đông đảo bên ngoài trụ sở Quốc hội để phản đối việc thông qua dự luật cải cách mới. Các nghiệp đoàn Hy Lạp cảnh báo sẽ tổ chức biểu tình và đình công để phản đối những chính sách tài chính ngày càng thắt chặt của chính phủ.

Tổng Thư ký Liên đoàn Lao động tư nhân (GSEE) Vangelis Moutafis nhấn mạnh: “Dự luật này thực chất là để đáp ứng yêu cầu của gói cứu trợ về việc cắt giảm nhân công và giảm mức lương tối thiểu, có nghĩa phá bỏ mọi thỏa thuận tổng thể với liên đoàn lao động và giải tán mọi dịch vụ xã hội. Đó là con đường dẫn tới suy thoái”.

Lãnh đạo đảng đối lập chính Syriza, ông Alexis Tsipras cũng chỉ trích mạnh mẽ dự luật này, cho rằng chúng không giải quyết được gốc rễ của cuộc khủng hoảng mà sẽ chỉ làm tình hình thêm trầm trọng và không thể đưa Hy Lạp tìm lại con đường phục hồi tăng trưởng. Ông nói: “Đây có lẽ là lần đầu tiên chúng ta có một dự luật không chỉ thắt chặt chi tiêu, giảm lương, giải tán các tổ chức xã hội mà còn luân chuyển và sa thải hàng nghìn người lao động. Có thể trong vài tháng nữa, chúng tôi lại phải họp và liên minh đa số sẽ tiếp tục gây sức ép để thông qua các biện pháp mới”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Yannis Stournaras chỉ ra rằng, đảng Syriza cũng không có đề xuất cụ thể nào tốt hơn nhằm đưa quốc gia này vượt qua tình trạng nợ nần chồng chất hiện nay. Ông Stournaras nhấn mạnh, các biện pháp này là cần thiết và đáng lẽ phải được triển khải từ nhiều năm trước.

Trước đó, ngày 17/7, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras công bố gói cắt giảm thuế lớn đầu tiên kể từ khi khủng hoảng nợ công bùng phát ở nước này cách đây gần 4 năm. Trong bối cảnh Hy Lạp liên tiếp phải cắt giảm lương và tăng thuế kể từ năm 2010 để đáp ứng các điều kiện đi kèm gói cứu trợ 240 tỷ euro, giới phân tích nhận định, động thái giảm thuế lần này chỉ là “liều thuốc tê” trước khi dự luật cắt giảm hàng chục nghìn việc làm trong năm nay được Quốc hội thông qua sau đó.

Trong một tuyên bố trên truyền hình, Thủ tướng Samaras cho biết, thuế giá trị gia tăng đối với các nhà hàng sẽ được giảm 10%, xuống còn 13% kể từ tháng sau. Ông Samaras nhấn mạnh, đây là một “thay đổi tích cực”.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble ngày 18/7 sẽ có cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Hy Lạp về tiến trình thực hiện cải cách tài chính tại Hy Lạp, vốn là một phần trong chương trình thúc đẩy ổn định và tăng trưởng tại nước này./.