Các Ngoại trưởng các nước thành viên NATO đang nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào đầu tháng 12, giữa lúc NATO đang đối mặt với nhiều hoài nghi về uy ín cũng như vai trò của liên minh này trong tình hình mới.

nato_hvcx.jpg
Cờ NATO. Ảnh: Europe Decides

Thời gian gần đây, liên minh quân sự NATO đang bị đặt trước nhiều nghi vấn về tương lai của tổ chức này, vai trò và chức năng, nhất là sau bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng, NATO đang “chết não” và việc Tổng thống Mỹ nêu ý tưởng rút ra khỏi liên minh quân sự này. Đặc biệt, gần đây, Mỹ rút binh sỹ khỏi miền bắc Syria, động thái được cho "bật đèn xanh" để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các tay súng người Kurd để khiến uy tín của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ bị giảm sút cũng như làm suy yếu liêm minh NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận đang có nhiều khác biệt giữa các đồng minh về vai trò của NATO và các Ngoại trưởng sẽ phải đưa ra quan điểm của nước mình trong cuộc họp ngày 21/11. Tuy nhiên, ông khẳng định NATO vẫn vững mạnh.

“NATO đã thực hiện chức năng tăng cường an ninh chung trong hàng chục năm qua. Mỹ sẽ không rời châu Âu, mà Mỹ thực sự trở lại châu Âu, hỗ trợ cho an ninh châu Âu. Các đồng minh châu Âu cũng đang chi ngân sách nhiều hơn cho quốc phòng. Chúng ta đang hiện đại hóa NATO bằng cấu trúc chỉ huy hoàn toàn mới, giải quyết các mối đe dọa chung và an ninh mạng. Bắc Mỹ và châu Âu đang phối hợp hành động nhiều hơn bao giờ hết trong hàng chục năm qua”, Tổng thư ký Stoltenberg nhấn mạnh.

Tuy nhiên để duy trì vai trò của NATO, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, NATO cần được điều chỉnh để thích ứng với những thách thức hiện tại và phải có trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh châu Âu. NATO cần làm rõ khái niệm và vai trò chính trị, trong bối cảnh các thử thách mà liên minh phải đối mặt gần đây”. Đức và Pháp đề xuất thành lập một “ủy ban chuyên gia mới” nhằm bàn các vấn đề chiến lược để hồi sinh NATO.

Ý tưởng mà Đức và Pháp đưa ra sẽ cho phép NATO có tầm nhìn chung tốt hơn về hướng đi của liên minh bởi NATO đã hiện đại hóa về mặt quân sự kể từ sự kiện bán đảo Crimea được sát nhập vào Nga năm 2014 nhưng vai trò trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới còn rất hạn chế.

Trước những cáo buộc Mỹ "bội ước" với đồng minh là các tay súng người Kurd ở Syria, việc Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ các đồng minh NATO mở chiến dịch quân sự ở Syria và việc Mỹ luôn hối thúc NATO tăng chia sẻ chi phí quốc phòng, Đức và Pháp đều cho rằng, châu Âu cần tự nâng cao năng lực an ninh, tăng cường điều phối an ninh mà không lệ thuộc vào Mỹ.

Các chủ đề mà các Ngoại trưởng NATO thảo luận hôm nay còn có "tương lai của việc kiểm soát vũ khí, quan hệ với Nga và an ninh ngoài vũ trụ". NATO khẳng định không đưa vũ khí lên vũ trụ mà sẽ dùng không gian này để hỗ trợ các hoạt động quân sự trên không, trên biển và trên đất liền. Những tồn tại của NATO cần được thảo luận và đưa ra hướng giải quyết trước khi tổ chức này họp thượng đỉnh, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, vào đầu tháng 12 tới./.