Bước chuẩn bị cuối cùng cho Thượng đỉnh G7 vào tháng 6/2015
Đây là một hội nghị rất quan trọng và được coi là bước chuẩn bị cuối cùng cho Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra vào tháng 6 tới tại bang Bavaria, Đức. Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh có những diễn biến lớn trong đời sống chính trị thế giới.
Thứ nhất, vẫn là câu chuyện về cuộc khủng hoảng Ukraine. Kể từ sau Hội nghị Minsk 2 thì đây là lần đầu Ngoại trưởng của G7 mới họp bàn để thảo luận về các bước tiến hành Thỏa thuận Minsk 2.
Thứ hai, cuộc họp này diễn ra chỉ ít ngày sau khi nhóm P5+1 đạt được một thỏa thuận sơ bộ mang tính đột phá với Iran trong vấn đề hạt nhân của nước này.
Cuối cùng, đây là hội nghị nhằm lên bộ khung chương trình cho những vấn đề hệ trọng sẽ được bàn thảo bởi lãnh đạo các nền kinh tế phát triển nhất thế giới trong giai đoạn nửa sau của năm 2015, từ vấn đề hạn chế lượng khí thải toàn cầu nhằm đạt được thảo thuận về chống biến đổi khí hậu trong Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu tại Paris cuối 2015, cho đến các xung đột đang có chiều hướng lan rộng ở Trung Đông.
Ngoài ra, các chủ đề lớn khác là việc ngăn chặn đại dịch Ebola ở Tây Phi và đẩy mạnh liên minh chống tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo – IS.
G7 có mời Nga trở lại ?
Trong cuộc họp báo hai ngày trước khi diễn ra Hội nghị lần này Lubeck, Ngoại trưởng Đức Steinmeier đã nói rõ rằng đây “chưa phải là thời điểm để Nga trở lại G7”. Nguyên nhân được phía Đức, là nước chủ nhà của Thượng đỉnh G7 sắp tới, đưa ra đó là vẫn chưa có những dấu hiệu tiến bộ đáng kể trong việc thực thi thỏa thuận Minsk 2 về ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.
Các nước phương Tây vẫn cáo buộc Nga tiếp tục hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền Đông và tác động chưa đủ mạnh để thỏa thuận Minsk 2 được thực hiện một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, cũng chính Ngoại trưởng Steinmeier cũng thừa nhận rằng về dài hạn thì việc cô lập Nga là không có lợi cho bất cứ nước nào bởi Nga là đối tác quan trọng trong việc tham giả giải quyết các vấn đề lớn của thế giới, không chỉ ở Ukraine mà còn trong các xung đột ở Syria, Yemen hay Libya.
Việc G7 đóng cửa với Nga hiện nay chưa thể thay đổi, sau sự kiện Nga sát nhập Crimea cách đây hơn 1 năm, nhưng sẽ không thể kéo dài mãi, vấn đề mà phương Tây đang cần là phía Nga cần có những động thái tích cực hơn trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Từ nay đến Thượng đỉnh tháng 6- G7 phải chạy nước rút
Tháng 6/2015 sẽ là khoảng thời gian sinh tử với hàng loạt các vấn đề lớn về chính trị và kinh tế thế giới. Tháng 6/2015 là lúc châu Âu và Mỹ sẽ phải xem lại các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm vào Nga để xem liệu sẽ tiếp tục kéo dài và nâng mức trừng phạt Nga hay sẽ gỡ bỏ từng phần. Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc thực hiện thỏa thuận Minsk 2.
Ngay trước Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở Lubeck ngày 15/4 thì Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Nga và Ukraine đã có một cuộc họp kéo dài và rất căng thẳng ở Berlin nhằm thảo luận vấn đề này trong bối cảnh chiến sự đang có chiều hướng leo thang những ngày qua ở miền Đông Ukraine.
Tuy chưa có kết quả cụ thể nhưng các nội dung bàn thảo ở Berlin sẽ được mổ xẻ kỹ ở Lubeck và sẽ được quyết định vào tháng 6 tới tại Bavaria khi nguyên thủ G7 gặp nhau. Vì thế, điều quan trọng cho tất cả các bên là đạt được các bước tiến rõ rệt cho đến khi Thượng đỉnh G7 diễn ra.
Tương tự, vấn đề hạt nhân Iran cũng có hạn chót là ngày 30/6 để đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Trước Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở Lubeck thì đã có một tín hiệu tích cực từ phía Mỹ, đó là Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã bật đèn xanh cho việc tiến hành các bước đàm phán tiếp theo với Iran.
Tuy nhiên, hiện đang có một số dấu hiệu bất đồng giữa các thành viên P5+1, chủ yếu liên quan đến quyết định mới đây của Nga về việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu hệ thống phòng không tiên tiến S-300 cho Iran. Thủ tướng Đức bà Angela Merkel coi đây là một quyết định “quá sớm” từ phía Nga trong khi các nhà thương lượng đang trong giai đoạn đàm phán nước rút.
Mặc dù vậy, tuy gian nan nhưng nhiều nhà phân tích vẫn nhận định khả năng các bên đi đến được một thỏa thuận cuối trước 30/6 là tương đối thực tế, các cản trở chính sẽ đến từ phía các nghị sỹ đảng Cộng hòa ở Mỹ chứ không đến trong nội bộ P5+1./.