Sau hàng chục năm đàm phán, đánh dấu với thất bại tại Hội nghị Copenhagen 6 năm về trước, hội nghị năm nay được đặt kỳ vọng là phải đạt được một thỏa thuận lịch sử, theo đó tất cả các quốc gia đều nhất trí, cùng gánh vác trách nhiệm trong cuộc chiến giảm khí thải, duy trì nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Thể hiện quyết tâm đạt được thỏa thuận, các nhà đàm phán cấp cao, các chuyên gia của gần 200 nước đã bắt đầu họp từ 29/11, sớm hơn dự kiến 1 ngày, song phiên khai mạc chính thức với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia vẫn được tổ chức vào ngày 30/11 như dự kiến. 

gettyimages_498822454_714x475_vfyg.jpg
Hội nghị COP 21- khó khăn song vẫn kỳ vọng có đột phá. (ảnh: Getty).

Phát biểu tại phiên họp trù bị, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh: “Chúng ta nên tự trang bị cho mình những công cụ, phương pháp giảm khí thải nhà kính nhằm kiềm chế tình trạng trái đất nóng dần lên, duy trì mức nhiệt tăng dưới 2 độ C hoặc 1,5 độ C để tránh những hậu quả của biến đổi khí hậu. Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta phải quyết định cần làm gì để có thể cùng chung sống trên trái đất này và mọi người đều có thể tiếp cận các phương thức phát triển bền vững”.

Trong 2 tuần đàm phán tại Paris, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải thương lượng để đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tín hiệu tích cực tại Hội nghị năm nay là gần như tất cả các nhà lãnh đạo đến dự hội nghị Paris đều đã vạch ra kế hoạch quốc gia chống biến đổi khí hậu sau năm 2020.

Cụ thể 183 trong số 195 nước đã trình kế hoạch dài hạn về giảm khí thải, nổi bật là những kế hoạch loại bỏ các nhà máy điện chạy bằng than, ngăn chặn phá rừng, xây dựng cơ chế đánh thuế cacbon.

Tuy mục tiêu cắt giảm khí thải mà nhiều nước đặt ra có thể chưa đủ song đó sẽ là cơ sở để soạn thảo Thỏa thuận Paris, văn kiện mở ra bước ngoặt cho thế giới chuyển đổi từ việc phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm sang năng lượng sạch hơn như gió, mặt trời.  

Mỹ, Pháp, Ấn Độ và 17 nước khác cho biết, tại hội nghị này sẽ công bố tăng gấp đôi quỹ nghiên cứu công nghệ phát triển năng lượng sạch lên 20 tỷ USD.  

Một trong những vấn đề gai góc nhất được bàn thảo là mức góp tài chính của các nước giàu dành cho Quỹ khí hậu Xanh để hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu công bố ngày 29/11 cho thấy, 48 nước nghèo nhất sẽ cần khoảng 1.000 tỷ USD từ 2020 đến 2030 để thực hiện mục tiêu giảm khí thải và ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Hội nghị Paris sẽ phải làm rõ trách nhiệm đóng góp của các nước giàu, với mục tiêu huy động ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020 cho Quỹ Khí hậu Xanh.

Chuyên gia Martin Kaiser, phụ trách các chính sách quốc tế về khí hậu của Tổ chức Hòa bình Xanh cho biết, nếu các chính phủ hành động quyết đoán thì cơ hội cứu trái đất vẫn còn: “Tại Paris, các chính phủ cần phải quyết định rõ ràng về mục tiêu dài hạn loại bỏ dần than, dầu lửa, để bước vào thời kì sản xuất năng lượng 100% bằng năng lượng tái tạo vào năm 2050. Với tín hiệu rõ ràng này cùng các cam kết của các nước, chúng ta vẫn có cơ hội để hạn chế nhiệt độ tăng dưới 2 độ C”.

 “Không có phương án B cho cuộc chiến chống ấm nóng toàn cầu”, “Thay dầu lửa, khí đốt bằng năng lượng gió, mặt trời”, là những thông điệp mà hàng nghìn người tham gia tuần hành trên toàn cầu gửi đến các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt với các nước phát thải khí nhà kính lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ.

Trước sức ép ngày một lớn, nhưng với sự góp sức của khoa học công nghệ, quyết tâm chính trị của mỗi nước, hội nghị vẫn được kỳ  vọng đạt được những thỏa hiệp mang tính đột phá để cứu trái đất trước thảm họa tan băng, bão lũ, nước biển dâng và làn sóng di cư, nghèo đói, dịch bệnh do biến đổi khí hậu gây ra./.