Những khác biệt về cuộc xung đột Ukraine đã khiến các nhà lãnh đạo không thể đưa ra một Thông cáo chung, nhưng các nước G20 đã đạt được đồng thuận mạnh mẽ trong nhiều vấn đề, bao gồm bất ổn an ninh lương thực và nguy cơ khủng hoảng nợ tại nhiều quốc gia.

Phát biểu sau phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết các nhà lãnh đạo tài chính của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất trí hầu hết các vấn đề, khẳng định tinh thần hợp tác và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để giải quyết các thách thức.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati  cho biết: “Đây là kết quả tốt nhất đạt được tại hội nghị khi tất cả các nước thành viên, kể cả các tổ chức quốc tế đều nhất trí rằng thế giới cần tăng cường hợp tác hơn nữa. Các quốc gia không thể giải quyết những thách thức một mình. Chúng tôi nhất trí cần tiếp tục duy trì tinh thần hợp tác và tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương. Điều đó nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ và đó chính xác là tinh thần của G20”.

Về vấn đề an ninh lương thực, các nước nhất trí cần các chính sách và biện pháp can thiệp khẩn cấp. Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế sẽ sử dụng quyền lực tài chính để hỗ trợ các nước cần giúp đỡ, đề xuất thiết lập Diễn đàn chung Bộ trưởng Tài chính và Nông nghiệp G20 giải quyết vấn đề nguồn cung lương thực và phân bón. Các nước thành viên cũng kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ thương mại làm gián đoạn nguồn cung thực phẩm.

Với nguy cơ khủng hoảng nợ tại nhiều quốc gia đang phát triển, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cảnh báo, hơn 30% các nước mới nổi và đang phát triển, 60% các nước thu nhập thấp đang trong hoặc gần tiến tới cảnh nợ nần. Tình hình nợ đang xấu đi nhanh chóng và cần phải có một cơ chế hoạt động hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

Theo đó G20 khuyến khích các bước tiến trong việc thực hiện Khuôn khổ chung Xử lý nợ, bao gồm Sáng kiến hoãn thanh toán nợ một cách kịp thời, có trật tự và phối hợp; đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho các quốc gia có nhu cầu thực sự. Nhiều bước tiến đạt được tại hội nghị khác như nguyên tắc quản lý tiền điện tử và tiền tệ kỹ thuật số, nhất trí tiếp tục ủng hộ các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cũng như Thỏa thuận khí hậu Paris.

Tuy nhiên bất đồng giữa các nước phương Tây và Nga tiếp tục làm lu mờ những nỗ lực chung của hội nghị khi các bên không đạt được đồng thuận trong cách diễn đạt trong Thông cáo chung mà nước chủ nhà Indonesia kỳ vọng có thể đưa ra sau hội nghị. Phía Nga cho rằng những sóng gió đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay không phải do chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine mà do các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến giá thực phẩm và năng lượng toàn cầu tăng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, những khác biệt đã ngăn cản các nước đưa ra một Thông cáo chính thức. Nga là một phần của G20 và không nhất trí với cách đánh giá về tác động của cuộc xung đột. 

Bộ trưởng Tài chính Indonesia cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi biết rằng mỗi quốc gia có một vấn đề và họ có lập trường chưa thể dung hòa được. Trong nội bộ G20 đã có những quan điểm khác nhau về những vấn đề liên quan đến cuộc xung đột Ukraine. Chúng tôi cho rằng đó là lập trường và quan điểm của một quốc gia hay của một nhóm quốc gia”

Không ra được Thông cáo chung nhưng nước chủ nhà Indonesia cho rằng điều quan trọng là G20 đã xác định được những kế hoạch cụ thể để tập trung đạt được trong năm nay.  G20 trong năm 2022 đối mặt với những thách thức do căng thẳng địa chính trị nhưng các nước có thể tự hào về tinh thần G20 vẫn dược duy trì. Những kế hoạch hành động thảo luận tại hội nghị sẽ phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong thời gian tới, gửi thông điệp tích cực đến cộng đồng quốc tế về vai trò của G20 trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu./.