Ngày 1/4, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HĐNQ) đã tiến hành Phiên họp Đặc biệt về “những vi phạm nhân quyền do Nhóm khủng bố Boko Haram gây ra” theo yêu cầu của 20 nước thành viên và quan sát viên HĐNQ.
Tham dự Phiên họp có Chủ tịch HĐNQ, Cao ủy Nhân quyền LHQ, một số Bộ trưởng Ngoại giao các nước châu Phi, đại diện của Liên minh châu Phi (AU), đại diện hơn 160 nước thành viên và quan sát viên HĐNQ và các tổ chức quốc tế liên quan.
Cao uỷ Nhân quyền LHQ và các nước trực tiếp liên quan đã có các phát biểu và báo cáo tình hình nhân đạo và quyền con người liên quan đến cuộc chiến chống Nhóm khủng bố Boko Haram tại miền bắc Nigeria và quanh vùng hồ Chad tại châu Phi, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nước Tây Phi.
Từ 2009 đến nay, cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của 15.000 thường dân, khiến 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 600.000 người phải ra tị nạn ở nước ngoài.
Các báo cáo nhấn mạnh các hành động khủng bố của Boko Haram vi phạm nghiêm trọng các quyền của người dân; rất nhiều phụ nữ, trẻ em bị bắt cóc, buôn bán, lạm dụng cưỡng hôn, thậm chí bị ép buộc phải đánh bom tự sát phục vụ hoạt động của nhóm này. Đồng thời, cuộc chiến kéo dài chống lại nhóm này cũng đặt ra các thách thức về quyền lương thực, y tế, giáo dục đối với người dân các nước trong khu vực.
Hơn 70 thành viên và quan sát viên của HĐNQ có phát biểu lên án các hành vi của nhóm khủng bố Boko Haram, xâm phạm nghiêm trọng, trên diện rộng, có hệ thống đối với các quyền phụ nữ và trẻ em.
Các nước nhấn mạnh điều kiện kinh tế hay nền tảng tôn giáo không thể biện minh cho bất cứ hành động khủng bố nào; bày tỏ đoàn kết và ủng hộ các nước liên quan, cùng Liên minh châu Phi và các cơ chế của LHQ có hành động phù hợp để ngăn chặn nhóm khủng bố này.
Tại phiên họp, đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Geneva khẳng định với tư cách là thành viên HĐNQ, Việt Nam theo dõi sát sao và chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về những hành động khủng bố của Boko Haram, vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trong khu vực.
Việt Nam đặc biệt quan ngại về tình trạng nhiều phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc, tước đoạt các quyền tự do cơ bản, bị lạm dụng, thậm chí bị giết hại bởi nhóm khủng bố này.
Việt Nam bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân các nước châu Phi, hoan nghênh các nỗ lực của các nước, các tổ chức khu vực và các cơ chế LHQ liên quan trong việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực vì đó là nền tảng cho bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Sau phần thảo luận, HĐNQ đã thông qua Nghị quyết lên án các hành vi khủng bố của Boko Haram, và yêu cầu Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ tìm hiểu thông tin tại thực địa và có báo cáo tại Khoá 30 HĐNQ (dự kiến tháng 9/2015)./.