Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết cải cách ngành an ninh có vai trò quan trọng với quốc gia hậu xung đột, góp phần củng cố hòa bình và ngăn ngừa tái diễn xung đột, thúc đẩy phát triển.
Các nước cho rằng tiến trình cải cách ngành an ninh được nhìn nhận là tiến trình do quốc gia làm chủ và triển khai theo yêu cầu của quốc gia liên quan, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực, với sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của phụ nữ. Các nước cũng nhấn mạnh cần bảo đảm nguồn tài chính dành cho nỗ lực xây dựng hòa bình, trong đó có cải cách ngành an ninh.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đã phát biểu ghi nhận những khó khăn nhiều quốc gia phải đối mặt trong giai đoạn hậu xung đột như giải giáp vũ khí, giải ngũ và tái hòa nhập các nhóm vũ trang, hòa giải… đòi hỏi cần cải cách bộ máy an ninh để củng cố hòa bình hậu xung đột, thúc đẩy hòa giải quốc gia và tái thiết đất nước, giảm nguy cơ tái diễn xung đột, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của xung đột đối với các nhóm yếu thế trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Đại sứ cũng nhấn mạnh tiến trình cải cách bộ máy an ninh cần bảo đảm nguyên tắc độc lâp, chủ quyền, trách nhiệm chủ đạo của quốc gia đối với; cải cách trên cơ sở phù hợp với bối cảnh, ưu tiên cụ thể của từng nước, với sự tham gia của các thành phần xã hội đa dạng, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ. Đồng thời, Đại sứ nhấn mạnh cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực, có thể hỗ trợ các quốc gia hậu xung đột trong tiến trình cải cách bộ máy an ninh và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác trên lĩnh vực này thông qua các cơ chế phù hợp của Liên Hợp Quốc cũng như các phái bộ gìn giữ hòa bình ở Châu Phi.
Sau cuộc họp, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2553 về Cải cách ngành an ninh. Đây là nghị quyết thứ hai của Hội đồng Bảo an về chủ đề này.
Nghị quyết nhấn mạnh vai trò quan trọng của cải cách ngành an ninh đối với củng cố hòa bình, ổn định tại các quốc gia hậu xung đột, ngăn ngừa tái diễn xung đột, thúc đẩy phát triển bền vững; ghi nhận chủ quyền và trách nhiệm chủ đạo của quốc gia liên quan đối với tiến trình cải cách, sự cần thiết phải bảo đảm phù hợp với ưu tiên, nhu cầu và trên cơ sở tham vấn và yêu cầu của quốc gia với sự tham dự của các bên liên quan, trong đó cần chú trọng thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ.
Nghị quyết cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc, các đối tác song phương, tổ chức khu vực, bảo đảm hỗ trợ và dành nguồn lực cho các nỗ lực cải cách./.