Tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài hàng chục năm qua ở Afghanistan là mục tiêu của Hội nghị hòa bình Tashkent về Afghanistan, diễn ra hôm qua tại Uzbekistan. Hội nghị có sự tham gia của chính phủ Afghanistan, các cường quốc như Trung Quốc, Nga, Mỹ, cùng các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Liên minh Châu Âu, NATO, song không có đại diện của Taliban. 

ashrafghani_jdea.jpg
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Ảnh: India.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh an ninh tại quốc gia Nam Á vẫn luôn bất ổn với các cuộc tấn công thường xuyên gây thương vong lớn. Giới chức Afghanistan liên tục lặp lại đề nghị hòa đàm với Taliban, song lực lượng này vẫn thẳng thừng từ chối và nêu điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán là các lực lượng nước ngoài phải rút khỏi Afghanistan.

Trước vô vàn khó khăn, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani kêu gọi tất cả các nước trong khu vực ủng hộ tiến trình hòa bình do người Afghanistan lãnh đạo cũng như đưa ra sáng kiến nhằm tìm lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên này. Bài phát biểu của ông gây xúc động với tuyên bố “hãy để lá phiếu quyết định vận mệnh đất nước thay cho súng đạn”.

Nước chủ nhà Uzbekistan hưởng ứng với đề xuất đứng ra tổ chức hội nghị hòa bình giữa Afghanistan và Taliban. Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyevkhẳng định cuộc chiến chống khủng bố là vấn đề chung của toàn khu vực và cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa.     

Trước đó, đặc phái viên EU tại Afghanistan Roland Kobia hối thúc tất cả các quốc gia và các tổ chức liên lạc với Taliban để đưa nhóm phiến quân này vào bàn đàm phán nhằm đi đến một hiệp định hoà bình. “Điều quan trọng tôi nghĩ là tất cả các nước, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước có tiếp xúc chính thức và không chính thức với Taliban nên khuyến khích Taliban tham gia đàm phán hòa bình như đề nghị của Tổng thống Afghanistan. Tổng thống Ashraf Ghani chưa từng bao giờ đưa ra đề xuất nào rõ ràng và vô điều kiện như vậy”, ông Roland Kobia nói.

Đặc phái viên Roland Kobia cho rằng, Taliban cần nắm bắt đề nghị mới đây của Tổng thống Afghanistan công nhận tổ chức này là một nhóm chính trị hợp pháp. Đại diện của Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ phối hợp với Pakistan và Mỹ để làm trung gian cho hòa đàm chấm dứt xung đột. Giới chức Trung Quốc cho rằng, ổn định ở Afghanistan cũng là lợi ích của các nước trong khu vực bởi từ lâu Trung Quốc lo ngại sự bất ổn ở Afghanistan có thể lan rộng ra vùng tự trị Tân Cương, phía Tây.  

Ngoài việc nhắc lại tuyên bố sẽ công nhận Taliban là một nhóm chính trị hợp pháp, Tổng thống Afghanistan Ghani còn đề xuất ngừng bắn và thả tù nhân, cùng một loạt lựa chọn khác, trong đó có bầu cử, Taliban tham gia vào tiến trình chính trị, và xem xét hiến pháp theo một thỏa ước với lực lượng này. Mặc dù chính phủ Afghanistan đã có thiện chí với Taliban để chấm dứt chiến tranh, nhưng đến nay Taliban vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức trước những đề xuất này./.