JiaJia là một đứa bé 9 tuổi đặc biệt. Cậu bé bị liệt ở chân, do vậy cậu phải nằm úp xuống chiếc ván trượt, dùng tay để đẩy ván di chuyển trong căn phòng nhỏ. Cậu mặc một chiếc áo in biểu tượng của siêu nhân Superman và quần đùi ngắn.
JiaJia cười và nói: “Siêu nhân Superman, anh ấy rất tuyệt”.
Bạn sẽ hầu như không để ý đến đôi chân của JiaJia cho đến khi chứng kiến cảnh cậu kéo lê đôi chân để ngồi ngay ngắn vào bàn ăn trưa.
Cậu bé JiaJia, bị bỏ rơi từ khi 3 tháng tuổi. (ảnh: CNN) |
Bố mẹ của JiaJia đã bỏ rơi cậu bên ngoài một bệnh viện phụ sản ở Trung Quốc khi cậu mới chỉ 3 tháng tuổi. Sau đó, cuộc phẫu thuật tật nứt đốt sống (spina bifida) thất bại đã khiến cậu bé JiaJia bị liệt từ thắt lưng trở xuống cho đến nay.
Tuy nhiên, cậu vẫn có thể học bơi, có thể đến trường và tự thay đồ của mình. JiaJia mơ ước một ngày nào đó cậu có thể trở thành sỹ quan cảnh sát.
Giám đốc của Tổ chức Children's Hope International ở Bắc Kinh Melody Zhang chia sẻ: “Cậu bé chỉ mong mình được bình thường như những đứa trẻ khác”.
“Nếu cháu có ba mẹ, cháu đã có thể có cuộc sống đúng nghĩa”
Cuộc đời và số phận của cậu bé JiaJia khiến nhiều người xúc động. Hiện cậu là đứa trẻ lớn tuổi nhất tại ngôi nhà của Alenah- một nhà tình thương đang chăm sóc ở 23 đứa trẻ khuyết tật bị bỏ rơi ở thủ đô Bắc Kinh.
JiaJia giúp các tình nguyện viên chăm sóc những đứa trẻ còn lại. Cậu đóng vai là người anh cả, cùng chơi đồ chơi và ca hát với các em nhỏ hơn.
Bé Hai Cong ở cùng nhà tình thương với JiaJia, bị chứng rối loạn tâm lý. |
Một gia đình đã từng hứa nhận nuôi JiaJia nhưng sau đó lại nuốt lời. “Rất khó để tìm được một gia đình cho JiaJia. Chúng tôi và cậu bé đã chờ 9 năm nay rồi”, Giám đốc Zhang nói.
Đầu năm nay, một gia đình người Mỹ đã hoàn thành các thủ tục, giấy tờ để nhận nuôi JiaJia. Họ biết đến cậu thông qua một gia đình nhận nuôi bạn thân của JiaJia ở nhà tình thương.
Thế nhưng, gia đình Wilson, gia đình nhận nuôi JiaJia, chỉ mới huy động quyên góp được khoảng 36.000 USD để làm quỹ nuôi đứa trẻ. Họ có trang blog (nhật ký trên mạng) và trang Facebook riêng để cập nhật quá trình nhận nuôi.
Ở nhà tình thương Alenah, có nhiều bé giống như Meng Song, bị cha mẹ bỏ rơi khi còn quá nhỏ. (ảnh: CNN) |
Nếu mọi việc thuận lợi, vài tháng nữa JiaJia mới có thể được đón về gia đình mới ở bang Missouri, Mỹ. Cậu đã nói chuyện qua Skype với bố mẹ nuôi và những người thân trong gia đình tương lai của cậu. Cậu bày tỏ mong muốn được ở với gia đình mới ngay bây giờ.
Cậu đã chờ rất lâu để có được một gia đình đúng nghĩa, vài tháng tới trôi qua đối với cậu là những ngày dài lê thê, đầy mong mỏi.
“Cậu bé rất mạnh mẽ, một đứa trẻ kiên cường. Cậu không dễ dàng bày tỏ cảm xúc trước mặt người khác. Cậu cố tỏ ra là một đứa trẻ hạnh phúc”, Giám đốc Zhang cho biết.
Tuy nhiên, vẫn có thể cảm nhận thấy nỗi đau bị kìm nén của JiaJia khi nghe thấy cậu chia sẻ: “Nếu cháu có ba mẹ. Cháu đã có thể có một cuộc sống đúng nghĩa”.
Sau đó, những giọt nước mắt lăn xuống gương mặt JiaJia khiến cho tất cả đều lặng người khi thấu hiểu nỗi đau của cậu.
Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, vấn nạn gây nhức nhối của xã hội Trung Quốc
Theo CNN, hàng chục trường hợp trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi khi còn quá bé được thống kê mỗi ngày ở Trung Quốc.
Bé Yi Tan sinh năm 2012. Bé bị bỏ rơi lúc mới sinh và hiện bị mắc bệnh tim và bệnh Down. (ảnh: CNN) |
Mới tuần trước, cả xã hội Trung Quốc xôn xao khi một bé gái sơ sinh được tìm thấy trong đường ống cống của một nhà tắm công cộng ở Bắc Kinh.
Đứa bé được phát hiện khi một người phụ nữ trẻ đi ngang qua và nghe thấy tiếng khóc yếu ớt. Hiện bé đã được đưa đến bệnh viện và sau đó chuyển đến trại trẻ mồ côi.
Vào tháng 5 năm nay, cảnh sát Trung Quốc đã kịp thời cứu sống một đứa trẻ sứt môi bị chôn vội vàng tại một nơi hoang vắng ở tỉnh Quảng Tây.
Vào tháng 5/2013, cảnh sát phát hiện thấy một bé trai sơ sinh còn sống trong một đường ống nhà vệ sinh ở Kim Hoa. Sau đó, cảnh sát đã tìm lại được nhà ông bà ngoại của bé. Người mẹ còn độc thân của đứa bé mới 22 tuổi nói với cảnh sát rằng đó là một tai nạn.
Trước vấn nạn trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng tăng, chính quyền Trung Quốc đã mở hàng chục “nhà tình thương” dành cho trẻ sơ sinh- được xây dựng ngay bên cạnh trại trẻ mồ côi, với đầy đủ giường cũi, lồng ấp và điều hòa nhiệt độ.
“Nhà tình thương” được xây dựng nhằm giúp đỡ các bậc phụ huynh có thể “gửi gắm” đứa trẻ của mình ở đây thay vì bỏ rơi chúng ngoài đường phố hoặc những nơi công cộng.
Bé Le Le bị cha mẹ bỏ rơi trong một ngôi chùa. (ảnh: CNN) |
Một “nhà tình thương” ở tỉnh Sơn Đông cho biết, vào năm ngoái, 106 trẻ sơ sinh đã được gửi đến, tất cả đều khuyết tật hoặc ốm yếu, trong 11 ngày đầu tiên mở cửa.
“Chính sách phúc lợi dành cho trẻ em vẫn chưa được hoàn thiện ở Trung Quốc. Có nhiều lỗ hổng trong luật nhân đạo dành cho trẻ em của chúng tôi”, Wang Zhenyao Chủ nhiệm Viện nghiên cứu nhân đạo thừa nhận.
Viện nghiên cứu nhân đạo Trung Quốc đã hợp tác với UNICEF để thực hiện các Báo cáo về chính sách phúc lợi dành cho trẻ nhỏ Trung Quốc hàng năm.
Theo nội dung bản báo cáo năm 2014, số lượng trẻ nhỏ bị bỏ rơi và khuyết tật ở đất nước này đã tăng từ 30.000 trẻ lên đến 50.000 trẻ. Hiện có 878 tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ chăm sóc trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi.
Chính sách phúc lợi dành cho trẻ em vẫn chưa được hoàn thiện ở Trung Quốc. Bé Hui Hui, sinh năm 2009, bị chứng biếng ăn và suy dinh dưỡng ở nhà tình thương Alenah. |
Trong một vài năm gần đây, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi gia tăng do chính sách “một con”, quan niệm về giới tính, và điều kiện sống nghèo nàn ở Trung Quốc, Chủ nhiệm Wang của Viện nghiên cứu nhân đạo nói. Điều này đã khiến những đứa trẻ bị bỏ rơi phải chịu sự rủi ro lớn về sức khỏe và cơ thể.
“Chúng không đáng có một cuộc sống như thế này”
Những câu chuyện bi thảm về số phận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở Trung Quốc vẫn còn rất nhiều.
Bé Da Long, sinh năm 2010, bị câm và điếc. Những câu chuyện bi thảm về số phận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở Trung Quốc vẫn còn rất nhiều. (ảnh: CNN) |
Cô bé Yuanyu là một trong những số phận kém may mắn nhất. Bé mới 18 tháng tuổi, rất đáng yêu và có nụ cười ngọt ngào. Thế nhưng, bé phải chịu sự dày vò của căn bệnh bại não và mất cách đây 2 tuần.
Christina Weave, một tình nguyện viên người Canada tại nhà tình thương Alenah nói: “Bây giờ ít nhất chúng ta có thể biết được rằng bé đang được ở một nơi tốt hơn”.
Bức hình của bé Yuanyu được treo trên một bức tường phía sau của nhà tình thương. Bên cạnh bức chân dung của bé Yuanyu, có những bức bình của các trẻ em khác cũng đã ra đi.
Tình nguyện viên Weave cay đắng chia sẻ: “Tất cả những đứa bé đều cần tình yêu. Chúng xứng đáng có được sự yêu thương. Chúng không đáng có một cuộc sống như thế này”./.