Theo Sputnik News, ngày 17/7/2014, máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines trên đường từ Amsterdam đến Kuala Lumpur đã bị bắn hạ tại Ukraine khiến 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Các nhân viên OSCE điều tra hiện trường vụ MH17 (Ảnh Sputnik News) |
Phương Tây chăm chăm cáo buộc Nga
Dù kết quả của cuộc điều tra chính thức chưa được công bố, Washington và các phương tiện truyền thông phương Tây đã ngay lập tức chĩa mũi dùi vào Nga và phe đối lập tại miền Đông Ukraine.
Theo báo cáo sơ bộ của Cơ quan An toàn Hà Lan, máy bay MH17 gặp nạn trên không do “các vật thể có năng lượng cực lớn đâm từ ngoài vào thân máy bay”.
Tuy nhiên, Ukraine và truyền thông phương Tây khăng khăng cho rằng, phe đối lập tại miền Đông nước này đã thực hiện vụ này dưới sự hậu thuẫn của Nga.
Thậm chí, Washington và Kiev còn lên tiếng khẳng định, MH17 bị tên lửa Buk do Nga chế tạo bắn hạ bất chấp thực tế là phe đối lập không sở hữu loại vũ khí này.
“Cơ quan An toàn Hà Lan sẽ công bố bản báo cáo chi tiết về vụ tai nạn máy bay MH17 một năm về trước vào tháng 10 tới. Việc điều tra được tiến hành thông qua sự hợp tác của giới chức Ukraine và Malaysia. Tuy nhiên, họ không tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng nơi xảy ra tai nạn và điều này thực sự rất nguy hiểm”, ông Philip Giraldi, cựu chuyên gia chống khủng bố và là nhân viên tình báo của CIA phân tích.
Ông Giraldi cũng cho biết, dù không có bằng chứng kỹ thuật hay tình báo liên quan đến việc ai đứng đằng sau chủ mưu vụ này, bản báo cáo này vẫn đưa ra các giả thuyết cho rằng phe đối lập tại miền Đông “là kẻ tinh nghi số một”.
“Việc đổ lỗi cho phe đối lập dường như cũng là để đổ lỗi cho Nga, ông Giraldi nhận định.
Binh sĩ miền Đông Ukraine bảo vệ hiện trường vụ tai nạn Mh17 (Ảnh Sputnik News) |
Trên thực tế, truyền thông Mỹ gần đây đã “hé lộ” rằng, bản điều tra cuối cùng cho thấy vụ máy bay MH17 nhiều khả năng là do phe đối lập gây ra và một phần cũng là do lỗi của chính máy bay này.
Tuy nhiên, vẫn còn có quá nhiều điểm mập mờ trong bản điều tra cuối cùng nói trên. Theo đối, Washington từ chối công bố dữ liệu vệ tinh của khu vực nơi chiếc máy bay MH17 gặp nạn dù Nga đã nhiều lần yêu cầu Mỹ làn điều này.
Các chuyên gia khẳng định, Mỹ chắc chắn có những hình ảnh chi tiết về hiện trường vụ MH17 bởi Mỹ có rất nhiều vệ tinh hiện đại bay trên khắp thế giới.
Ai mới là hung thủ thực sự?
Tháng 8/2014, nhà báo điều tra Mỹ Robert Parry cho biết, các quan chức tình báo Mỹ tin rằng, quân Chính phủ Ukraine mới là thủ phạm vụ bắn hạ máy bay MH17.
Theo đó, “dù có nhiều vệ tinh giám sát của Mỹ bay trên khu vực miền Đông Ukraine, các cơ quan tình báo Mỹ đã không cung cấp được một hình ảnh nào cho thấy hệ thống tên lửa Buk được Nga chuyển cho phe đối lập tại miền Đông Ukraine rồi sau đó lại được đưa trả về Nga”, ông Parry nhấn mạnh.
Theo ông Giraldi, nhiều chuyên gia tình báo Mỹ nghi ngờ rằng, Chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm về vụ bắn hạ máy bay MH17.
Theo đó, chính quyền Ukraine có đủ nguồn lực và động cơ để bắn hạ MH17 rồi sau đó đổ lỗi cho phe đối lập và Nga, ông Giraldi nói thêm.
Cơ quan tình báo Đức BND cũng bày tỏ nghi ngờ về sự tham gia của Nga và phe đối lập tại miền Đông Ukraine trong thảm kịch nói trên. Các chuyên gia của Đức cũng nghi ngờ về tính xác thực của những tấm ảnh mà Ukraine trưng ra trong quá trình điều tra.
Báo cáo của Nga bị phớt lờ
Trong khi quá trình điều tra đang được tiến hành, phương Tây đã liên tục phớt lờ báo cáo của Nga rằng, MH17 có thể bị bắn hạ bởi tên lửa không đối không.
Thông tin này được đưa ra vào tháng 8/2014, khi Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Igor Makushev tuyên bố, các radar của Nga đã phát hiện ra một máy bay thứ 2 bay gần MH17 ngay trước khi máy bay này gặp nạn và nhấn mạnh, nhiều khả năng đó là máy bay chiến đấu của Ukraine.
Trong tuần này, Ủy ban Điều tra của Nga cũng công bố họ có dự liệu khẳng định máy bay MH17 bị tên lửa không đối không bắn hạ và tên lửa này không phải do Nga sản xuất.
“Chúng tôi có những dữ liệu cho thất máy bay MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa không đối không. Hơn thế nữa, các chuyên gia khẳng định đó không phải là tên lửa do Nga sản xuất”, người phát ngôn Ủy ban Điều tra của Nga Vladimir Markin nhấn mạnh.
Không chỉ phớt lờ những bằng chứng do Nga công bố, các nước phương Tây còn tỏ ra không muốn hợp tác với Nga. Thậm chí, các chuyên gia của Nga còn không được phép tham gia vào quá trình điều tra và chỉ nhận được thông tin cực kỳ ít ỏi về quá trình điều tra./.