Báo Korea Times viết, vào một ngày giá lạnh tháng 12/1950, tại bến cảng Hungnam (Triều Tiên), khoảng 14.000 người Triều Tiên, trong đó có cha mẹ của ông Moon Jea-in, lên tàu SS Meredith Victory của Mỹ để đến đảo Geoje, tỉnh Nam Gyeongsang.
Dòng người chạy trốn chiến tranh Triều Tiên. Ảnh tư liệu của Korea Times. |
Có lẽ vì thế, trong tranh luận trên truyền hình trước bầu cử, khi ứng viên Yoo Seong-min của đảng Bareun hỏi ông Moon có coi Triều Tiên là kẻ thù chính của Hàn Quốc không, ông đã không thể trả lời “có”.
Đối với ông Moon và nhiều người khác câu hỏi này không thể đơn giản là có hoặc không. Đó là quê cha đất tổ mà cha mẹ ông mong nhớ suốt cả cuộc đời họ.
Các chính trị gia cánh hữu đã nỗ lực tô vẽ hình ảnh ông Moon Jea-in là “người thông cảm với Triều Tiên”.
“Họ không hoàn toàn sai nhưng tôi cũng rất cảm kích người thuyền trưởng Mỹ đã cứu mạng cha mẹ mình” – ông Moon viết trong một quyển tự truyện có tên “Từ định mệnh đến hy vọng” (From Destiny to Hope).
Thời thơ ấu khắc khổ và tuổi trẻ sôi nổi
Ông Moon sinh năm 1953, vài tháng trước khi cuộc chiến tranh liên Triều chấm dứt, hay nói đúng hơn là đình chiến, bởi về lý thuyết 2 nước chưa ký Hiệp định hòa bình, nghĩa là vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Khi bắt đầu biết nhận thức, cậu bé Moon lúc đó đã hiểu cuộc sống thật khó khăn. Cha mẹ ông làm việc ngày đêm nhưng tương lai của gia đình chưa bao giờ có vẻ tươi sáng. Cậu bé Moon, con cả trong gia đình, phải xếp hàng đợi bột ngô và sữa bột của các nhà thờ viện trợ. Cậu không bao giờ thích điều đó nhưng luôn yêu quý những bà sơ đã tốt bụng với mình.
Vì thế khi vào được trường trung học danh tiếng Gyeongnam ở Busan, cậu thanh niên Moon Jea-in đã bị sốc vì những người bạn cùng lớp giàu có. Họ ăn thức ăn khác và ở trong những ngôi nhà cũng khác. Đó là lúc Moon Jea-in nhận ra sự bất bình đẳng xã hội.
Cha ông Moon Jea-in ít nói nhưng thường bày tỏ quan điểm chính trị trong gia đình và điều đó tác động đáng kể đến niềm tin của ông Moon sau này.
Ông Moon Jea-in tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ đầu tiên năm 1969 khi Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Park Chung-hee (cha Tổng thống vừa bị bãi nhiệm Park Geun-hye) tìm cách thay đổi Hiến Pháp để cầm quyền nhiệm kỳ 3.
Chàng thanh niên Moon Jea-in (ngồi giữa cầm hoa) thời sinh viên sôi nổi. Ảnh tư liệu của Korea Times. |
Ông Moon tiếp tục đấu tranh khi được vào khoa luật của trường đại học Kyung Hee năm 1972 và từng bị bắt giam tại Trung tâm giam giữ Seodaemun ở Seoul. Nhưng ông không bao giờ hối hận về thời tuổi trẻ mà còn cho rằng mình đã may mắn khi được ở đó cùng với cô gái tên Kim Jeong-suk, người sau này trở thành vợ ông.Ảnh đám cưới của ông Moon Jea-in và bà Kim Jeong-suk. Ảnh tư liệu của Korea Times.
Cuộc gặp gỡ định mệnh đưa Moon Jea-in đến với chính trị
Khi đi nghĩa vụ quân sự, ông Moon Jea-in làm nhiệm vụ trong Lực lượng đặc nhiệm và đã tham gia rất nhiều sứ mệnh.
Hoàn thành nghĩa vụ, vượt qua kỳ thi năm 1980 nhưng ông Moon Jea-in không được trở thành thẩm phán như mơ ước vì quá khứ biểu tình chống chính phủ. Vài công ty luật danh tiếng cũng mời ông về làm nhưng Moon Jea-in quyết định làm gì đó có ý nghĩa hơn ở Busan. Và đó là khi ông gặp Roh Moo-hyun, người sau này trở thành Tổng thống Hàn Quốc.
Cả hai đã làm việc cho những người không đủ khả năng thuê luật sư, trong đó đa phần là công nhân nhà máy, lao động bị trả lương rẻ mạt. Trong tự truyện của mình, ông Moon miêu tả đây là quãng thời gian “cực kỳ hạnh phúc”, trong đó có đám cưới của ông với bà Kim sau 7 năm yêu nhau.
Chính ông Roh Moo-hyun là người tin rằng hoạt động chính trị có thể giải quyết nhiều vấn đề mà họ đã chứng kiến và lôi kéo ông Moon Jea-in tham gia nhưng chỉ đến khi ông Roh Moo-hyun trở thành Tổng thống năm 2002, ông Moon Jea-in mới thực sự dấn thân vào chính trường và trở thành thư ký cấp cao của Tổng thống về các vấn đề dân sự.
Thế nhưng Moon Jea-in vẫn cảm thấy làm việc cho chính phủ giống như việc “khoác áo của người khác” và muốn trở lại làm luật sư.
Chỉ khi ông Roh tự tử năm 2009 vì bị điều tra tham nhũng và trớ trêu thay, đích thân ông Moon phải công bố tin này, cậu bé gốc Triều Tiên năm nào trở lại chính trường Hàn Quốc.
“Nếu tôi không gặp ông Roh, có lẽ tôi đã sống thoải mái hơn, nhưng đam mê của ông ấy luôn đánh thức tôi. Và vì thế, cái chết của ông ấy đưa tôi trở lại con đường. Ông ấy nói đó là định mệnh. Giờ ông ấy đã thoát khỏi nó nhưng tôi thì mắc kẹt lại với những gì ông ấy để lại” – ông Moon từng viết./.Muốn đối phó với Triều Tiên, ông Trump phải cân nhắc ý kiến này
Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc mở ra trang mới cho quan hệ liên Triều?