Có khoảng 632 triệu người dùng internet ở Trung Quốc, trong số đó có khoảng 24 triệu người là trẻ em say mê với việc lướt mạng. Giới trẻ Trung Quốc ngày càng chìm đắm trên “thế giới ảo”, thậm chí có những người chỉ dành cả ngày để lang thang trên mạng, không còn quan tâm gì đến cuộc sống xung quanh. 

Để chữa trị bệnh “nghiện internet” cho con, nhiều bậc phụ huynh ở đất nước đông dân nhất thế giới này đã chấp nhận chi ra hàng trăm nghìn Nhân dân tệ để đưa con đến Trung tâm cai nghiện internet Đại Hưng ở Bắc Kinh- nơi được mệnh danh là trung tâm cai nghiện internetkhắc nghiệt” nhất Trung Quốc. 

tao1_czcy.jpg
Trung tâm cai nghiện internet Đại Hưng ở Bắc Kinh- nơi được mệnh danh là trung tâm cai nghiện internet khắc nghiệt” nhất Trung Quốc. (ảnh: Fernando Moreles/Telegraph).

Gia đình tan nát vì con nghiện lướt mạng

Chen Fei cảm thấy sợ hãi khi cha mẹ cậu bé thông báo rằng cả nhà sẽ cùng đến một trường học ở Bắc Kinh trong mùa hè này. Rõ ràng đây không phải là một kỳ nghỉ dễ chịu. Cuối cùng, cậu bé Chen Fei đã trải qua kỳ nghỉ hè của mình trong một tòa cao tầng kín đáo, nằm đối diện với viện công nghệ ở Đại Hưng.

Trung tâm cai nghiện internet Đại Hưng có khoảng 70 thiếu niên trạc tuổi Chen Fei, hầu hết đều đeo kính và mặc trang phục quân đội. Trong một căn phòng nhỏ của trung tâm, mẹ của Chen bật khóc khi kể lại cho chuyên gia tâm lý câu chuyện về con trai của bà.

Bà nói: “Chứng nghiện internet của con trai chúng tôi đã phá nát gia đình tôi. Khoảng 2 năm về trước, cháu bắt đầu ra ngoài tiệm để lướt mạng. Nhưng lúc ấy chúng tôi không để ý đến điều ấy. Lúc ấy, cháu là học sinh ngoan và chúng tôi đều nghĩ rằng, cháu cần thư giãn để giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, việc lướt mạng ngày càng kéo dài hơn và thường xuyên hơn, gần như là hàng ngày”. 

Một bệnh nhân phản ứng với chương trình huấn luyện khắc nghiệt của Tao Ran. (ảnh: Fernando Moreles/Telegraph).

“Việc học của cháu bị ảnh hưởng khiến chúng tôi phải lo lắng nhờ cậy giáo viên và bạn cùng lớp giúp đỡ cháu thoát khỏi tình cảnh ấy. Nhưng khoảng 6 tháng trước, cháu hoàn toàn mất kiểm soát và dành hơn 20 tiếng ngồi trước máy tính cháu mới chịu nổi”, mẹ của Chen đau khổ chia sẻ.

Bố của Chen tiếp lời: “Chúng tôi không thể ngăn cháu lại được. Đấy chính là lý do mà chúng tôi ở đây để chữa trị cho cháu. Chúng tôi muốn cháu nhận thức được điều gì đang xảy ra với mình, để chữa bệnh nghiện, và để cơn ác mộng này qua đi”.

Chen sẽ phải ở lại Trung tâm cai nghiện internet Đại Hưng 3-6 tháng, thậm chí lâu hơn nếu bệnh tình của Chen không có chuyển biến tích cực. Chen sẽ trải qua một quy trình điều trị được thiết kế bởi Tao Ran, bác sỹ chuyên ngành thần kinh, đồng thời là một đại tá trong quân đội.

Bác sỹ Tao Ran giải thích với cha mẹ Chen rằng, trong quá trình chữa bệnh, cậu bé sẽ bị cách ly với tất cả các thiết bị điện tử, không có bất kỳ liên hệ nào với bên ngoài, và phải tuân theo kỷ luật quân sự trong Trung tâm. Đấy sẽ là một quá trình cai nghiện khó khăn, bác sỹ Tao cảnh báo.

“Nghiện internet có tác hại như nghiện ma túy”

Chen chỉ là một trong 6.000 thanh thiếu niên Trung Quốc được gửi tới Trung tâm Đại Hưng kể từ khi được mở vào năm 2006. Khi mẹ của Chen thông báo rằng cậu sẽ phải ở lại đây, Chen đã kích động hét lên rằng: “Mẹ thật quá đáng! Tại sao mẹ làm thế với con” và chạy nhào lên phía trước. Năm nhân viên của Trung tâm đã nhanh tay giữ cậu ấy lại.

Bác sỹ Tao nhận định: “Nghiện internet gây ra những vấn đề đối với não bộ tương tự như ma túy. Nhưng có những trường hợp, chứng nghiện internet còn gây hại kinh khủng hơn. Nó phá hoại các mối quan hệ và cơ thể của chúng ta mà chúng ta không hề hay biết". 

Một học viên được chụp, quét hình ảnh não để phục vụ cho quá trình nghiên cứu của trung tâm. 
(ảnh: Fernando Moreles/Telegraph).

“Nghiện internet có thể gây hại đến thị lực, đau lưng và rối loạn ăn uống, Ngoài ra, khả năng não bộ của chúng ta có thể bị giảm xuống 8%, và nghiêm trọng nhất là các biến chứng về tâm lý, thần kinh. Nếu một người nào đấy dành hơn 6 tiếng trên internet trong một ngày thì có thể người đấy đã bị nghiện”, bác sỹ Tao nói.

Theo bác sỹ Tao, người đã nghiên cứu cách chữa trị bệnh nghiện internet từ năm 1991, 90% các bệnh nhân của ông có biểu hiện trầm cảm và 58% thậm chí tấn công cha mẹ mình.

Số liệu thống kê chính thức ở Trung Quốc cho thấy, 67% tội phạm vị thành niên là do internet gây ra, những người này thường có xu hướng bạo lực và gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa thực tế và thế giới ảo.

Bác sỹ Tao nói: “Tôi sợ rằng xu hướng này sẽ tăng lên, vấn đề nghiện internet đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc".

Trung Quốc có số lượng người sử dụng internet lớn nhất trên thế giới. Tính đến tháng 7/2014, có 632 người Trung Quốc sử dụng internet, và chính phủ tin rằng 10% trong số đó (khoảng 24 triệu người) là các thanh thiếu niên bị nghiện.

Lộ trình chữa nghiện internet Tao Ran gây nhiều tranh cãi

Tuy nhiên, có nhiều người trong giới chuyên gia không cho rằng phương pháp cai nghiện internet của bác sỹ Tao là đúng đắn.

Một giảng viên đại học người Trung Quốc, tiến sỹ Tao Hongkai đã kịch liệt phản đối lộ trình điều trị của bác sỹ Tao. Một bác sỹ người New Zealand tên là Trent Bax, khẳng định liệu pháp điều trị của bác sỹ Tao Ran là một hình thức của việc “tra tấn”. 

Đến với trung tâm, các bạn trẻ phải tập luyện như trong quân đội.(ảnh: Fernando Moreles/Telegraph).

Cả hai đều không cho rằng nghiện internet lại có thể so sánh với nghiện ma túy được, các triệu chứng của 2 chứng bệnh này không liên quan đến nhau. Họ cho rằng, nghiện internet nên được coi là một hành vi “sai lệch” trong xã hội, không phải là một chứng bệnh “có thể chữa trị” bằng phương pháp y học.

Một ngày của Trung tâm cai nghiện internet Đại Hưng bắt đầu với tiếng còi lúc 6h30. Các “bệnh nhân” sẽ nhanh chóng mặc áo thun, và tập hợp ngay ngắn ngoài hành lang. Tiếp đó, những “con nghiện internet” lần lượt đọc to tên của mình, việc này sẽ được lặp đi lặp lại 5 lần trong một ngày. Những người này chỉ có 20 phút để vệ sinh cá nhân để nhanh chóng ra sân cho bài huấn luyện quân sự đầu tiên trong ngày.

Bác sỹ Tao Ran cho biết, ông muốn quy chuẩn hóa phương pháp điều trị chứng nghiện internet. Ông khẳng định, ông đã áp dụng lộ trình điều trị này từ năm 2008 với tỷ lệ thành công lên đến 75%.

Năm 2008, bác sỹ Tao bắt đầu chú ý đến vai trò của các bậc phụ huynh trong việc điều trị. Sự tham gia của cha mẹ là chìa khóa cho thành công trong việc chữa nghiện internet cho con cái họ, bác sỹ Tao khẳng định. 

Ngoài tập luyện, các em còn được uống thuốc giảm đau và chống trầm cảm.(ảnh: Fernando Moreles/Telegraph).
 

Anh Wang Shupei, một công nhân xây dựng chia sẻ: “Con trai chúng tôi đã đến chữa trị ở Trung tâm Đại Hưng vào tháng 3 năm ngoái và ở lại trung tâm trong 8 tháng. Nhưng ngay sau khi rời khỏi trung tâm, cháu bắt đầu chơi game online trở lại”. Vì vậy, gia đình anh Wang đã dành dụm thêm 170.000 Nhân dân tệ, một khoản tiền lớn đối với các gia đình nông thôn, để tiếp tục đưa con đi chữa trị.

Bác sỹ Tao cho biết, một bệnh nhân đã được chữa khỏi nếu họ có thể lướt mạng ít hơn 6 tiếng mỗi ngày sau khi rời khỏi Trung tâm 6 tháng. Tuy nhiên, có nhiều người không cảm thấy tự tin vào kết quả chữa trị đã tiếp tục ở lại Trung tâm. Anh Li Wenchao, 22 tuổi, là một người như vậy.

Anh Li Wenchao nói: “Tôi sợ bị mắc nghiện lại. Tôi sợ trở lại cuộc sống bình thường. Đó là lí do tại sao tôi vẫn ở đây. Tôi sẽ ở lại trung tâm cho đến khi tôi đủ tự tin để đối mặt với cuộc sống”./.