Những tranh cãi về việc sử dụng thuốc điều trị sốt rét

Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa tìm ra phương thuốc hiệu quả nào để điều trị Covid-19, dịch bệnh nguy hiểm do virus SARS-CoV-2 gây ra, nhiều nước đang cân nhắc tới việc sử dụng hydroxychloroquine – một loại thuốc chống sốt rét.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố rằng hydroxychloroquine có hiệu quả tích cực trong việc điều trị Covid-19 dù chưa có bằng chứng nào cho thấy nó hiệu quả và an toàn trong việc ngăn ngừa và điều trị Covid-19.

trump_usa_egem.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố rằng hydroxychloroquine có hiệu quả tích cực trong việc điều trị Covid-19. Ảnh: USA Today

Trong một tuyên bố ngày 5/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố hydroxychloroquine sẽ được thử nghiệm trên 3.000 bệnh nhân ở bệnh viện Henry Ford ở Detroit, Michigan của Mỹ và các kết quả sẽ được ghi chép cụ thể trong một nghiên cứu chính thức. Ông Pence cũng nói thêm rằng Mỹ đã chuẩn bị để bổ sung nguồn thuốc này cho các phòng khám và các cửa hàng thuốc ở khu vực Detroit khi phù hợp.

Trong khi đó, bên ngoài các bệnh viện, nhiều người người dân đang liều lĩnh phá vỡ các quy tắc giãn cách xã hội để tìm mua hydroxychloroquine và đã có những trường hợp nhiễm độc do tự ý sử dụng một cách không phù hợp.

Cơn sốt thuốc hydroxychloroquine là kết quả của một thử nghiệm nhỏ được tiến hành ở một bệnh viện tại Marseille (Pháp), dù hứa hẹn nhưng vẫn chưa cung cấp đủ bằng chứng ở mức tiêu chuẩn cho thấy loại thuốc này có hiệu quả đối với Covid-19.

Các cuộc thử nghiệm lớn hơn về loại thuốc này cũng như các loại thuốc khác đang được tiến hành, nhưng sẽ không thể đưa ra kết luận dù chỉ là sơ bộ chỉ trong vài ngày tới.

Trong khi đó, cơ quan dược phẩm liên minh châu Âu (EMA) khuyến cáo nên hạn chế sử dụng thuốc sốt rét để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trừ khi cực kỳ cần thiết. Cả hydroxychloroquine and chloroquine chỉ nên được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng hoặc trong “các chương trình khẩn cấp quốc gia”. Dù đã có một số thử nghiệm thành công ở Pháp và Trung Quốc, hiệu quả trong việc điều trị Covid-19 của các loại thuốc này vẫn chưa được chứng minh trong các nghiên cứu.

Bài học từ dịch cúm 1918

Có một sự tương đồng giữa đại dịch Covid-19 hiện nay với dịch cúm năm 1918 ở khía cạnh thử nghiệm thuốc.

Năm 1918, giữa đại dịch cúm tồi tệ nhất trong lịch sử, các bác sỹ trên khắp thế giới đã kê đơn quinine (Người Việt quen gọi là ký ninh-ND), một loại thuốc chữa sốt rét khác, dù không có bằng chứng nào cho thấy nó có hiệu quả đối với cúm.

Người dân xếp hàng dài để mua thuốc trong đại dịch cúm năm 1918. Ảnh: EPA

Ở thời điểm đó, người ta vẫn chưa hiểu nhiều về việc 1 loại thuốc sẽ có tác động đến cơ thể như thế nào và họ thường kê quá liều, gây ra những tác dụng phụ như chóng mặt, ù tai hay nôn mửa.

Trong cuốn sách về kinh nghiệm trải qua đại dịch cúm 1918 của Anh, có tên “Living with Enza”, tác giả Mark Honigsbaum nói rằng, người dân London không chịu nghe theo khuyến cáo súc miệng bằng nước muối, thay vào đó, họ bao vây các cửa hàng thuốc và các phòng khám của bác sỹ để đòi thuốc quinine.

Những ví dụ về một cuộc khủng hoảng như thế này tiết lộ một sự thật sâu sắc: không chỉ các chính trị gia bị buộc phải đưa ra vô số quyết định một cách “có đạo đức”, mà các bác sỹ và các nhà khoa học cũng vậy.

Trong một thế giới lý tưởng, các nhà khoa học sẽ cung cấp bằng chứng và các chính trị gia phải cân nhắc chúng giữa những bằng chứng khác để rồi đưa ra quyết định. Các chính trị gia sẽ chịu trách nhiệm với gánh nặng “đạo đức”.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà khoa học hiếm khi có toàn bộ bằng chứng trong một cuộc khủng hoảng. Điều tốt nhất mà họ có thể đề xuất là một loạt các kết quả khả thi với những khả năng đi kèm. Đôi khi loạt khả năng mà họ đưa ra lại quá nhiều tới mức nó gần như chẳng giúp ích gì cho các nhà hoạch định chính sách, vì thế các nhà khoa học buộc phải thu hẹp các phạm vi dựa trên các tiêu chí nhất định hơn là bằng chứng đầy đủ. Nói cách khác mỗi nhà khoa học sẽ phải có lựa chọn “đạo đức” của riêng mình.

Đó là lý do vì sao, cũng giống như năm 1918, các nhà khoa học chỉ trích nhau trên truyền thông. “Đây là một điều điên rồ”, một nhà khoa học gần đây đăng tải trên Twitter về nghiên cứu sử dụng thuốc sốt rét điều trị Covid-19 ở Marseille.

“Đạo đức” hay “phi đạo đức”?

Trong nghiên cứu hiện vẫn đang được tiến hành ở Marseille, các bệnh nhân Covid-19 được điều trị kết hợp hydroxychloroquine với thuốc kháng khuẩn azithromycin.

Hydroxychloroquine là một dạng thuốc ít độc hại hơn chloroquine, một trong những loại thuốc được kê đơn rộng rãi nhất trên thế giới. Azithromycin là loại thường được kê cho bệnh viêm phổi - một tác động phổ biến của Covid-19.

Việc sử dụng thuốc hydroxychloroquine để điều trị Covid-19 đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Penn Medicine

Sự kết hợp thuốc kể trên và liều dùng ở Marseille được cho là an toàn đối với các nhóm bệnh nhân khác. Tuy nhiên, nó an toàn như thế nào thì vẫn chưa có bằng chứng cụ thể. Một số người cho rằng, phương pháp kết hợp thuốc này có thể để lại tác động đến tim ở một số bệnh nhân, vì thế các bác sỹ ở Marseile đã chụp điện tâm đồ cho tất cả các bệnh nhân trước khi điều trị cho họ.

Tới nay, kết quả điều trị của 80 bệnh nhân cho thấy họ ghi nhận mức độ virus giảm – đồng nghĩa với việc các bệnh nhân vị nhiễm bệnh trong thời gian ngắn hơn và có sự cải thiện về các triệu chứng, so với các bệnh nhân Covid-19 nhập viện ở những nơi khác. Báo cáo được đăng tải trên trang web của bệnh viện bằng tiếng Anh trước khi được các chuyên gia đánh giá.

Tuy nhiên, các con số là quá nhỏ, xét theo tiêu chuẩn thử nghiệm lâm sàng thường.

Một điều bất ngờ khác chính là không có các biện pháp kiểm soát riêng dành cho các nhóm đối tượng khác nhau được phân biệt bằng độ tuổi, giới tính hay thậm chí là các bệnh nhân chưa được điều trị và những người đang được giám sát trong cùng một điều kiện giống nhau.

Didier Raoult, bác sỹ dẫn đầu nhóm nghiên cứu ở Marseille, nói rằng, sẽ là phi đạo đức khi có một biện pháp kiểm soát như vậy trong tình huống mà mọi người đang phải chiến đầu vì sự sống và các nhân viên của ông đang phải liều lĩnh chính bản thân mình để cứu các bệnh nhân khi chưa có phương thuốc điều trị thực sự hiệu quả nào khác.

Raoult điều hành một trung tâm hàng đầu của Pháp về các dịch bệnh truyền nhiễm và là một trong những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.

Raoult cho biết, khi tuyên bố rằng phương pháp điều trị của ông có hiệu quả, ông đã có những quyết định mang tính đạo đức và không phải là một quyết định dựa trên bằng chứng. Trên Tờ Le Monde tuần trước, ông đã nhấn mạnh với các bác sỹ đồng nghiệp của mình rằng nghiên cứu đầu tiên của họ là vì các bệnh nhân của họ chứ không phải là vì một phương pháp khoa học. Ông tin rằng thời gian sẽ chứng minh ông đúng.

“Các chính trị gia sẽ được lịch sử phán xét. Tôi cũng sẽ được chính các bệnh nhân của mình phán xét”, ông Raoult nói./.